26 April 2025
Trang chủTHỜI SỰBình Dương: Tình hình kinh tế - xã hội phát triển tích...

Bình Dương: Tình hình kinh tế – xã hội phát triển tích cực trong năm 2024

Chiều ngày 25/12, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức họp báo về tình hình kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh năm 2024, phương hướng nhiệm vụ năm 2025.

Năm 2024 tình hình thế giới, khu vực và trong nước tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức tác động đến sự phát triển kinh tế – xã hội, tuy nhiên, UBND tỉnh Bình Dương sớm có nhiều dự báo và chủ động quyết liệt, kịp thời của Đảng bộ, chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn nên tình hình kinh tế – xã hội của Bình Dương phát triển tích cực và đạt kết quả khả quan trên các lĩnh vực.

Theo đó, tình hình tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh Bình Dương có sự chuyển biến rõ nét, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Hoạt động thương mại, dịch vụ, xuất – nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng; môi trường thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước được cải thiện. Điều hành nhiệm vụ thu – chi ngân sách đạt hiệu quả; chi ngân sách tiết kiệm; đảm bảo cân đối chi cho các nhiệm vụ cấp thiết phát sinh. Các tổ chức tín dụng tích cực triển khai các chính sách lãi suất và cải tiến thủ tục hỗ trợ nhu cầu vốn cho doanh nghiệp. Đảm bảo an sinh xã hội; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định.

Ông Nguyễn Lộc Hà – Phó Chủ tịch UBND tỉnh và bà Trương Thị Bích Hạnh – Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Đến nay, Bình Dương có 31/36 chỉ tiêu kinh tế, xã hội, môi trường và đô thị thông minh đạt và vượt kế hoạch; các chỉ tiêu còn lại gần đạt với kế hoạch và có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ.

Cụ thể, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tăng 7,48% (năm 2023 tăng 5,00%); GRDP bình quân đầu người đạt 181,2 triệu đồng; cơ cấu kinh tế: công nghiệp – dịch vụ – nông nghiệp – thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm với tỉ trọng tương ứng là 64,93% – 25,08% – 2,73% – 7,26%.

Sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá so với cùng kỳ, các ngành chủ lực phục hồi tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 7,6% (năm 2023 tăng 6,1%); Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ ước tăng 13,3%. Kim ngạch xuất khẩu đạt 34,5 tỷ USD, tăng 12,7%; kim ngạch nhập khẩu đạt 24,5 tỷ USD, tăng 12,2% (vượt kế hoạch năm). Thặng dư thương mại đạt 10 tỷ USD.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Dương đạt 71.234 tỷ đồng, tăng 10% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 100% dự toán HĐND tỉnh giao. Tổng chi cân đối ngân sách thực hiện 26.759 tỷ đồng, đạt 100% dự toán HĐND tỉnh giao, trong đó ước thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 đến cuối năm, đạt trên 105% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Năm 2024, tỉnh thu hút trên 80 ngàn tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh trong nước và trên 2,2 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 73.600 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký 807 ngàn tỷ đồng và 4.400 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 42,4 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 162 ngàn tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2023.

Về phát triển nông, lâm nghiệp, diện tích các loại cây trồng và tổng đàn gia súc, gia cầm duy trì ổn định; ngành nông nghiệp đang đẩy mạnh phát triển theo hướng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; Thực hiện tốt quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; đầu tư một số công trình, dự án thủy lợi quan trọng; phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; chú trọng công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, khai thác và bảo vệ tài nguyên môi trường; ban hành và triển khai thực hiện Đề án khai thác quỹ đất, tạo nguồn thu từ đất phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm nâng cao chất lượng các tiêu chí; đến nay toàn tỉnh 100% xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, 50% huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hiện nay các ngành, các cấp đang tập trung triển khai các nhiệm vụ thực hiện Quy hoạch tỉnh. Trong thời gian tiếp theo, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh như: Quốc lộ 13, Vành đai 3, Vành đai 4 thành phố Hồ Chí Minh, Cao tốc Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành,… trong năm đã khánh thành và đưa vào sử dụng tuyến đường Tạo lực Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng, cầu Bạch Đằng 2 kết nối giao thông với các tỉnh lân cận, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh.

Về công tác an sinh, phúc lợi xã hội, các chế độ, chính sách cho người có công, đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội, người nghèo và công nhân lao động trong dịp Lễ, Tết được quan tâm chu đáo. Thực hiện tốt chuyển đổi số, Đề án 06 trong giải quyết hồ sơ trợ cấp thất nghiệp, chi trả an sinh xã hội, thu thập thông tin người lao động. Công tác dạy nghề, phát triển thị trường lao động được tiếp tục chú trọng; ước trong năm đã tạo việc làm cho 36.000 người (vượt kế hoạch của năm).

Công tác giáo dục và đào tạo tiếp tục được quan tâm đầu tư, giáo dục ngoài công lập, chất lượng phổ thông và nghề nghiệp tiếp tục cải thiện. Các cơ sở khám chữa bệnh đảm bảo tốt việc trực khám và điều trị bệnh cho người dân; Công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm và việc thiếu thuốc, vật tư y tế được tập trung chỉ đạo giải quyết.

Bà Huỳnh Thị Thanh Phương, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Dương phát biểu về hội nghị.

Tổ chức nhiều hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao, tuyên truyền các ngày lễ, kỷ niệm lớn của đất nước, các sự kiện của tỉnh. Thể thao đạt thành tích cao trong các giải thi đấu quốc gia và quốc tế; Các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch Bình Dương được quan tâm đẩy mạnh.

Bên cạnh sự phát triển tích cực, năm 2024 tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế như: tổng sản phẩm trong tỉnh và GRDP bình quân đầu người tăng so với cùng kỳ nhưng chưa đạt kế hoạch đề ra. Công tác thu hút đầu tư một số ngành công nghệ cao chưa nhiều. Hoạt động của doanh nghiệp còn khó khăn.

Tiến độ một số công trình, dự án giao thông còn chậm; Công tác thẩm định giá đất, phê duyệt giá đất cụ thể để bồi thường, giải phóng mặt bằng, thực hiện nghĩa vụ tài chính, đấu giá đất phát sinh các khó khăn.

Công tác xã hội hóa trên lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa còn vướng mắc về cơ chế, chính sách. Nhân lực y tế, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu; tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế chưa giải quyết dứt điểm. Số lượng học sinh tiếp tục tăng cao gây nhiều áp lực về cơ sở vật chất, trang thiết bị, giáo viên.

Công tác phối hợp có lúc, có việc chưa nhịp nhàng, đồng bộ; chất lượng tham mưu chưa đáp ứng yêu cầu; số lượng biên chế công chức còn thiếu. Các vụ việc, vấn đề tồn đọng từ các giai đoạn trước cần có nhiều thời gian để tập trung giải quyết, khắc phục. Ngoài ra, tội phạm sử dụng công nghệ cao gia tăng với nhiều thủ đoạn mới tinh vi; tình hình tai nạn giao thông, cháy nổ vẫn diễn biến phức tạp.

Theo đó, năm 2025, tỉnh đặt ra mục tiêu hoàn thành các Nghị quyết, chương trình hành động của Đại hội Đảng bộ tỉnh và kế hoạch kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2025; Thúc đẩy tăng trưởng dựa trên năng lực nội sinh, chuyển đổi số, hợp tác quốc tế; Tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, phát triển đô thị – dịch vụ bền vững; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, đảm bảo an sinh xã hội, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, và tăng cường quốc phòng – an ninh.

Kim Lý

TIN TỨC LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_img

Tin phổ biến liên quan

Bình luận mới