25 July 2025

8/14 sở ngành Bình Dương đã chuyển cán bộ về TP.HCM làm việc

0

Thường trực UBND TP.HCM và chủ tịch HĐND TP đã họp, làm việc với lãnh đạo 36 xã, phường khu vực Bình Dương cũ về tình hình hoạt động sau sáp nhập và giải quyết kiến nghị của địa phương.

Bình Dương - Ảnh 1.
Chủ tịch HĐND TP.HCM Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được (thứ hai, thứ ba từ trái qua) và hai phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Lộc Hà, Bùi Minh Thạnh (thứ tư và đầu tiên từ trái qua) lắng nghe kiến nghị của 36 xã phường TP.HCM khu vực Bình Dương cũ chiều 9-7 – Ảnh: BÁ SƠN

Ngày 9-7, tại phường Bình Dương, TP.HCM, lãnh đạo HĐND và Thường trực UBND TP.HCM làm việc với lãnh đạo 36 xã, phường khu vực Bình Dương cũ. 

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được, các phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Lộc Hà, Bùi Minh Thạnh tham dự buổi làm việc. Buổi làm việc còn có sự tham dự của Chủ tịch HĐND TP.HCM Võ Văn Minh, đại diện các sở, ngành của TP.HCM. 

Báo cáo của UBND TP.HCM tại buổi làm việc cho biết khu vực Bình Dương cũ trong 6 tháng đầu năm đã thúc đẩy được nhiều dự án hạ tầng, khu công nghiệp, giải ngân vốn đầu tư công…

Về tình hình cán bộ công chức, viên chức người lao động Bình Dương khi chuyển về TP.HCM, hiện nay đa số sở ngành, đơn vị thuộc UBND tỉnh Bình Dương đã có phương án sắp xếp, hợp nhất trong tổng thể bộ máy cơ quan chuyên môn, đơn vị thuộc UBND TP.HCM. 

Riêng một số đơn vị gồm: Sở Ngoại vụ, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Trường đại học Thủ Dầu Một đang chờ phương án sắp xếp của cơ quan có thẩm quyền.

Bình Dương - Ảnh 2.
Lãnh đạo phường Đông Hòa, TP.HCM (sáp nhập từ các phường Bình An, Bình Thắng, Đông Hòa của TP Dĩ An, Bình Dương trước đây) phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM – Ảnh: BÁ SƠN

Hiện nay có 8/14 sở, ngành đã chuyển cán bộ, công chức về TP.HCM làm việc, gồm 1 đơn vị chuyển toàn bộ về trụ sở chính (Sở Xây dựng).

7 sở, ngành vẫn bố trí một bộ phận tại khu vực Bình Dương để tiếp nhận hồ sơ và phụ trách địa bàn (Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tư pháp, Văn phòng UBND TP, Sở Dân tộc và Tôn giáo, Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ).

6 sở, ngành chưa di chuyển (Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Thanh tra, Sở Ngoại vụ, Sở Nội vụ, Sở Văn hóa và Thể thao).

Đa phần cán bộ, công chức chấp hành theo phân công, tuy nhiên vẫn có nguyện vọng được công tác tại khu vực Bình Dương do các khó khăn về thời gian di chuyển, chưa tìm được chỗ ở, chưa có nhà công vụ. 

Trước đây khi xây dựng đề án hợp nhất tỉnh, có phương án bố trí trụ sở làm việc số 2 tại Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương (cũ), nên nhiều cán bộ đã thay đổi nguyện vọng, chọn ở lại phục vụ tại cơ quan cấp tỉnh thay vì xin về địa phương.

Tuy nhiên thực tế hiện nay việc duy trì trụ sở 2 của TP.HCM tại Bình Dương hầu như không còn được thực hiện, khiến nhiều cán bộ viên chức cảm thấy hụt hẫng. 

Do đó cần xem xét mở thêm một đợt đăng ký nguyện vọng được điều động về công tác tại địa phương cho cán bộ công chức, viên chức có nhu cầu nhằm ổn định tư tưởng, giúp đội ngũ yên tâm công tác và tiếp tục đóng góp.

Về vận hành tòa nhà Trung tâm hành chính Bình Dương sau sáp nhập, kiến nghị tiếp tục giao nhiệm vụ quản lý, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng cho ban quản lý tòa nhà đến hết ngày 31-12-2025 hoặc đến khi có quy định mới, tiếp tục thực hiện các gói thầu đang cung cấp dịch vụ cho tòa nhà…

Kiến nghị tại buổi làm việc, đại diện một số phường như phường Đông Hòa, phường Thủ Dầu Một, phường Thuận An, phường Bến Cát… cho biết sau 9 ngày hợp nhất, các trung tâm phục vụ hành chính công các xã phường hoạt động bình thường.

Tuy nhiên vẫn có một số vướng mắc liên quan phần mềm dịch vụ công còn chập chờn. Tại phường Thuận An, lãnh đạo phường cho biết việc cấp giấy phép đăng ký kinh doanh vướng mắc do chờ trả lời của cơ quan thuế…

BÁ SƠN

Chi tiết 34 ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP TỈNH

0

Kể từ ngày 12/6/2025, cả nước có 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố. Trong đó có 19 tỉnh và 4 thành phố hình thành sau sắp xếp và 11 tỉnh, thành phố không thực hiện sắp xếp.

Chi tiết 34 ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP TỈNH- Ảnh 1.

Sáng 12/6/2025, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025. 

Theo đó, kể từ ngày Nghị quyết có hiệu lực, ngày 12/6/2025, cả nước có 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố; trong đó có 19 tỉnh và 4 thành phố hình thành sau sắp xếp quy định tại nghị quyết này và 11 tỉnh, thành phố không thực hiện sắp xếp.

Chi tiết các tỉnh, thành phố hình thành sau sắp xếp

Sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của tỉnh Yên Bái và tỉnh Lào Cai thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Lào Cai. Sau khi sắp xếp, tỉnh Lào Cai có diện tích tự nhiên là 13.256,92 km2, quy mô dân số là 1.778.785 người.

Sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Thái Nguyên. Sau khi sắp xếp, tỉnh Thái Nguyên có diện tích tự nhiên là 8.375,21km2, quy mô dân số là 1.799.489 người.

Sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Hòa Bình và tỉnh Phú Thọ thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Phú Thọ. Sau khi sắp xếp, tỉnh Phú Thọ có diện tích tự nhiên là 9.361,38km², quy mô dân số là 4.022.638 người.

Sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của tỉnh Bắc Giang và tỉnh Bắc Ninh thành tỉnh mới có tên gọi là Bắc Ninh. Sau khi sắp xếp, tỉnh Bắc Ninh có diện tích tự nhiên là 4.718,6km2, quy mô dân số là 3.619.433 người.

Sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của tỉnh Thái Bình và tỉnh Hưng Yên thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Hưng Yên. Sau khi sắp xếp, tỉnh Hưng Yên có diện tích tự nhiên là 2.514,81km2, quy mô dân số là 3.567.943 người.

Sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của thành phố Hải Phòng và tỉnh Hải Dương thành thành phố mới có tên gọi là thành phố Hải Phòng. Sau khi sắp xếp, thành phố Hải Phòng có diện tích tự nhiên là 3.194,72km2, quy mô dân số là 4.664.124 người.

Sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của tỉnh Hà Nam, tỉnh Nam Định và tỉnh Ninh Bình thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Ninh Bình. Sau khi sắp xếp, tỉnh Ninh Bình có diện tích tự nhiên là 3.942,62km2, quy mô dân số là 4.412.264 người.

Sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Quảng Trị. Sau khi sắp xếp, tỉnh Quảng Trị có diện tích tự nhiên là 12.700km2, quy mô dân số là 1.870.845 người.

Chi tiết 34 ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP TỈNH- Ảnh 4.

Sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam thành thành phố mới có tên gọi là thành phố Đà Nẵng. Sau khi sắp xếp, thành phố Đà Nẵng có diện tích tự nhiên là 11.859,59km2, quy mô dân số là 3.065.628 người.

Sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Ngãi thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Quảng Ngãi. Sau khi sắp xếp, tỉnh Quảng Ngãi có diện tích tự nhiên là 14.832,55km2, quy mô dân số là 2.161.755 người.

Sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của tỉnh Bình Định và tỉnh Gia Lai thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Gia Lai. Sau khi sắp xếp, tỉnh Gia Lai có diện tích tự nhiên là 21.576,53km2, quy mô dân số là 3.583.693 người.

Sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Khánh Hoà thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Khánh Hòa. Sau khi sắp xếp, tỉnh Khánh Hoà có diện tích tự nhiên là 8.555,86km2, quy mô dân số là 2.243.554 người.

Sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của tỉnh Đắk Nông, tỉnh Bình Thuận và tỉnh Lâm Đồng thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Lâm Đồng. Sau khi sắp xếp, tỉnh Lâm Đồng có diện tích tự nhiên là 24.233,07km2, quy mô dân số là 3.872.999 người.

Sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của tỉnh Phú Yên và tỉnh Đắk Lắk thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Đắk Lắk. Sau khi sắp xếp, tỉnh Đắk Lắk có diện tích tự nhiên là 18.096,40km2, quy mô dân số là 3.346.853 người.

Sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và tỉnh Bình Dương thành thành phố mới có tên gọi là Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi sắp xếp, Thành phố Hồ Chí Minh có diện tích tự nhiên là 6.772,59km2, quy mô dân số là 14.002.598 người.

Sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Đồng Nai. Sau khi sắp xếp, tỉnh Đồng Nai có diện tích tự nhiên là 12.737,18km2, quy mô dân số là 4.491.408 người.

Sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của tỉnh Long An và tỉnh Tây Ninh thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Tây Ninh. Sau khi sắp xếp, tỉnh Tây Ninh có diện tích tự nhiên là 8.536,44km2, quy mô dân số là 3.254.170 người.

Sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của thành phố Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Hậu Giang thành thành phố mới có tên gọi là thành phố Cần Thơ. Sau khi sắp xếp, thành phố Cần Thơ có diện tích tự nhiên là 6.360,83km2, quy mô dân số là 4.199.824 người.

Sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của tỉnh Bến Tre, tỉnh Trà Vinh và tỉnh Vĩnh Long thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Vĩnh Long. Sau khi sắp xếp, tỉnh Vĩnh Long có diện tích tự nhiên là 6.296,20km2, quy mô dân số là 4.257.581 người.

Sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của tỉnh Tiền Giang và tỉnh Đồng Tháp thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Đồng Tháp. Sau khi sắp xếp, tỉnh Đồng Tháp có diện tích tự nhiên là 5.938,64km2, quy mô dân số là 4.370.046 người.

Sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Cà Mau. Sau khi sắp xếp, tỉnh Cà Mau có diện tích tự nhiên là 7.942,39km2, quy mô dân số là 2.606.672 người.

Sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của tỉnh Kiên Giang và tỉnh An Giang thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh An Giang. Sau khi sắp xếp, tỉnh An Giang có diện tích tự nhiên là 9.888,91km2, quy mô dân số là 4.952.238 người.

Chính quyền địa phương hình thành sau sắp xếp hoạt động từ 1/7/2025

Nghị quyết cũng quyết nghị, các cơ quan theo thẩm quyền khẩn trương thực hiện các công tác chuẩn bị cần thiết bảo đảm để chính quyền địa phương ở các tỉnh, thành phố hình thành sau sắp xếp quy định tại Điều 1 của Nghị quyết này chính thức hoạt động từ ngày 1/7/2025.

Chính quyền địa phương ở các tỉnh, thành phố trước sắp xếp tiếp tục hoạt động cho đến khi chính quyền địa phương ở tỉnh, thành phố hình thành sau sắp xếp chính thức hoạt động.

Kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành, cả nước có 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố.

Trong đó có 19 tỉnh và 4 thành phố hình thành sau sắp xếp và 11 tỉnh, thành phố không thực hiện sắp xếp là các tỉnh: Cao Bằng, Điện Biên, Hà Tĩnh, Lai Châu, Lạng Sơn, Nghệ An, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Sơn La và thành phố Hà Nội, thành phố Huế.

Chi tiết 34 ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP TỈNH- Ảnh 5.

Cung cấp bản đồ hành chính Việt Nam trực tuyến cập nhật 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh

Dẫn thông tin từ bà Đỗ Thị Thu Thuỷ, Phó Chánh Văn phòng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) TTXVN cho biết, khi Nghị quyết của Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025 có hiệu lực, Cục hoàn thành xây dựng, cung cấp Bản đồ hành chính Việt Nam tỷ lệ 1: 1.000.000 trực tuyến qua môi trường mạng và bản đồ số định dạng *.pdf nhằm phục vụ kịp thời công tác chỉ đạo điều hành của Thủ tướng Chính phủ, công tác quản lý nhà nước của các Bộ, ngành, địa phương và đáp ứng yêu cầu các tổ chức, cá nhân.

Các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân có thể truy cập trang web https://vnsdi.monre.gov.vn/home của Trung tâm Hạ tầng dữ liệu không gian địa lý để tra cứu thông tin cần thiết.

Sáng 12/6, với 461/465 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 96,44% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025. Cả nước có 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày được Quốc hội thông qua.

Kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành, cả nước có 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố. Trong đó có 19 tỉnh và 4 thành phố hình thành sau sắp xếp quy định tại nghị quyết này và 11 tỉnh, thành phố không thực hiện sắp xếp là các tỉnh: Cao Bằng, Điện Biên, Hà Tĩnh, Lai Châu, Lạng Sơn, Nghệ An, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Sơn La và thành phố Hà Nội, thành phố Huế. 

52 tỉnh, thành thực hiện sắp xếp thành 23 đơn vị hành chính cấp tỉnh mới có tên: Tuyên Quang, Lào Cai, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng, Ninh Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Gia Lai, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tây Ninh, Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cà Mau, An Giang.

Chia sẻ trên TTXVN về việc chỉnh lý dữ liệu bản đồ hành chính khi thực hiện sắp xếp tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp, bà Đỗ Thị Thu Thuỷ, cho biết, từ đầu năm 2025 đến nay, thực hiện Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/02/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về sắp xếp các đơn vị hành chính theo chính quyền hai cấp, thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam đã chuẩn bị các tài liệu bản đồ phục vụ các cuộc họp quan trọng của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Nội vụ…

Cục đã xây dựng Bản đồ hành chính Việt Nam, đảm bảo thể hiện chính xác và đầy đủ các đơn vị hành chính theo phương án sắp xếp mới; tập trung cập nhật các biến động địa giới hành chính, chuẩn hóa hệ thống ký hiệu, mã hóa dữ liệu không gian theo tiêu chuẩn quốc gia, đảm bảo tính chính xác, thống nhất và tính pháp lý của từng tờ bản đồ.

Chinhphu.vn

Lan tỏa hiệu quả Đề án xây dựng nếp sống văn hóa – văn minh tại Bình Dương

0

Sáng 24-6, tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm tỉnh, Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị tổng kết Đề án 02 “Công tác dân vận tham gia xây dựng nếp sống văn hóa – văn minh trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021 – 2025”. Đồng chí Nguyễn Lộc Hà, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đến dự và chỉ đạo hội nghị. 

Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Lộc, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Thanh Nhân, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy; Nguyễn Thị Mỹ Hằng, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy.

Đồng chí Nguyễn Lộc Hà, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Qua 5 năm triển khai, Đề án 02 của Tỉnh ủy về xây dựng nếp sống văn hóa – văn minh đã đạt nhiều kết quả nổi bật, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tự giác và tinh thần trách nhiệm của người dân trong giữ gìn vệ sinh môi trường, chỉnh trang đô thị, xây dựng khu dân cư xanh – sạch – đẹp. 

Toàn tỉnh đã nâng cấp 100% văn phòng khu phố, ấp (587/587); vận động 98% hộ gia đình ký cam kết thực hiện nếp sống văn minh, trong đó có 97% hộ thực hiện tốt. Có 95% cơ quan, 19% doanh nghiệp, 100% siêu thị và 104,16% chợ đăng ký đạt chuẩn văn hóa. 

Bình Dương đã xây mới, cải tạo 117 công viên, nâng tổng số lên 352 công viên, hoa viên; xây dựng 62 nhà vệ sinh công cộng tại các chợ, công viên, trạm dừng chân…

Lãnh đạo tỉnh và các đại biểu tham dự hội nghị

Cùng với đó, các phong trào thi đua được triển khai sâu rộng với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, thu hút người dân tích cực tham gia xây dựng văn phòng khu phố, công viên, tuyến đường kiểu mẫu, lắp đặt camera an ninh, chiếu sáng, nhựa hóa, bê tông hóa đường hẻm… 

Đặc biệt, phong trào “Ngày thứ bảy văn minh” tạo hiệu ứng tích cực, diễn ra đồng loạt với 10.989 đợt, thu hút hơn 574.000 lượt người tham gia; thực hiện 1.196 công trình phần việc được triển khai thực hiện với tổng giá trị hơn 211 tỷ đồng… 

Kinh phí tổ chức thực hiện “Ngày thứ bảy văn minh” ngoài ngân sách còn huy động nguồn lực xã hội hóa 15.838 tỷ đồng và hơn 15.000 ngày công lao động, trồng và chăm sóc hơn 1,1 triệu cây xanh… 

Các đơn vị tham luận chia sẻ cách làm hay, hiệu quả trong thực hiện Đề án 02

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Lộc Hà biểu dương những nỗ lực, sáng kiến và kết quả của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội và nhân dân toàn tỉnh trong quá trình thực hiện Đề án. Đồng thời, chúc mừng 49 tập thể và 110 cá nhân được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án 02. Đây là sự ghi nhận xứng đáng cho những đóng góp bền bỉ, hiệu quả và sáng tạo của các tập thể, cá nhân đối với sự phát triển chung của tỉnh trong thời gian qua. 

Tỉnh ủy trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 2 cá nhân
Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng bằng khen cho các tập thể
Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng bằng khen cho các cá nhân

Đồng chí Nguyễn Lộc Hà nhấn mạnh, sau hơn 5 năm triển khai, Đề án 02 đã tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng nếp sống văn minh, kỷ cương, nghĩa tình. Nhiều mô hình “Dân vận khéo” được triển khai hiệu quả, gắn với xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, bảo vệ môi trường, ứng xử văn hóa trong giao tiếp, nơi công sở. Từ đó, góp phần củng cố tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm cộng đồng và xây dựng môi trường sống ngày càng xanh – sạch – đẹp – an toàn. 

Thông qua triển khai Đề án, Bình Dương đã tạo được sự đồng thuận xã hội cao trong thực hiện các chương trình phát triển đô thị, chỉnh trang hạ tầng, giải phóng mặt bằng và nhiều nhiệm vụ chính trị quan trọng khác. Đề án 02 thực sự góp phần thay đổi diện mạo đô thị, nâng cao chất lượng sống, tạo dựng nét văn hóa đặc trưng của người dân Bình Dương.

Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy tặng quà tri ân đội ngũ cán bộ, công chức tuyên giáo và dân vận cấp huyện

Tại hội nghị, Tỉnh ủy trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 2 cá nhân thuộc Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy vì đã có thành tích trong công tác từ năm 2019 đến năm 2023, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. 

Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong thực hiện Đề án 02 giai đoạn 2021-2025. Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy tri ân đội ngũ cán bộ, công chức tuyên giáo và dân vận cấp huyện.

Đỗ Trọng

Phát huy Ngày hội “Thống nhất non sông” để viết tương lai bằng công nghệ số

0

Tại Ngày hội “Thống nhất non sông” và phát động phong trào “Bình dân học vụ số” tổ chức tại phường An Phú, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương, ngày 26/4, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Bình Dương Bùi Thanh Nhân kêu gọi phát huy tinh thần ngày hội để tiếp tục viết tương lai bằng công nghệ số.

Trao tặng Bằng khen của Tỉnh ủy cho tập thể, cá nhân xuất sắc trong thực hiện "Ngày thứ 7 văn minh" tại ngày hội.
Trao tặng Bằng khen của Tỉnh ủy cho tập thể, cá nhân xuất sắc trong thực hiện “Ngày thứ 7 văn minh” tại ngày hội.

Ngày hội “Thống nhất non sông” được tổ chức tại cơ sở ở các phường, xã của tỉnh Bình Dương nhằm chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, 50 năm Ngày Giải phóng tỉnh Thủ Dầu Một-Bình Dương (30/4/1975-30/4/2025) và hướng đến kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Tại Ngày hội “Thống nhất non sông”, các đồng chí lão thành cách mạng, người dân, cán bộ ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc, những đóng góp của quân và dân, những chiến công hiển hách thông qua các trận đánh gắn với những địa danh tên đất, tên làng đã vào lịch sử, góp phần cùng cả dân tộc làm nên Đại thắng lịch sử mùa Xuân 1975.

Phát huy truyền thống cách mạng, phát huy truyền thống “Miền đông gian lao mà anh dũng”, sau giải phóng, tỉnh Bình Dương đã chung sức, đồng lòng, không ngừng đổi mới, sáng tạo và luôn có khát vọng không ngừng vươn lên.

Nhờ vậy, tỉnh Bình Dương đã trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước trong phát triển kinh tế-xã hội, là điểm sáng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.

Phát huy Ngày hội “Thống nhất non sông” để viết tương lai bằng công nghệ số ảnh 1
Các đại biểu thực hiện nghi thức khánh thành công viên tại các khu dân cư được xây dựng từ nguồn xã hội tại Ngày hội “Thống nhất non sông”.

Tại Ngày hội “Thống nhất non sông”, các cơ quan, đơn vị đã phát động phong trào “Bình dân học vụ số”. Đây là phong trào có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng và phát triển quốc gia số, chính phủ số, xã hội số, công dân số nhằm góp phần đưa đất nước phát triển nhanh, toàn diện, bền vững.

Dịp này, chính quyền cơ sở đã ra mắt mô hình “Tuyến đường văn minh đô thị”; khánh thành công viên được đầu tư từ nguồn xã hội hóa; tặng quà gia đình chính sách và hộ nghèo, hộ cận nghèo…

Phát biểu ý kiến tại Ngày hội “Thống nhất non sông” tổ chức ở cơ sở, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Bình Dương Bùi Thanh Nhân cho rằng, Ngày hội “Thống nhất non sông” là dịp trọng đại để tưởng nhớ, tri ân và tự hào về những chặng đường lịch sử hào hùng của dân tộc; nơi mà ý chí độc lập, tinh thần đoàn kết và lòng yêu nước đã làm nên chiến thắng lịch sử – kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước; cũng là niềm tự hào về những thành tựu nổi bật của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Sông Bé-Bình Dương sau 50 năm thống nhất đất nước, 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới và 28 xây dựng và phát triển.

Đồng chí Bùi Thanh Nhân khẳng định, thông qua Ngày hội “Thống nhất non sông” tổ chức tại cơ sở, việc phát động phong trào “Bình dân học vụ số” là một hoạt động mang tính nhân văn sâu sắc vì mục đích “xóa mù số toàn dân trong kỷ nguyên số” đến tất cả các tầng lớp nhân dân, với phương châm: “Đi từng ngõ, đến từng nhà, hướng dẫn từng người”, bằng hành động “Triển khai nhanh-Kết nối rộng-Ứng dụng thông minh”.

Cho rằng Ngày hội “Thống nhất non sông” tại cơ sở sẽ khơi dậy hào khí chiến thắng những ngày tháng 4 lịch sử của dân tộc để chiến đấu và diệt giặc dốt số, đồng chí Bùi Thanh Nhân nhấn mạnh, thông qua Ngày hội sẽ thắt chặt hơn nữa tinh thần đoàn kết, niềm tin và khát vọng vươn lên xây dựng quê hương ngày càng văn minh, đẹp giàu cùng cả nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Với tinh thần Ngày hội, tin rằng thời gian tới việc đọc và viết sẽ không dừng lại ở con chữ trên trang giấy, mà là đọc dữ liệu, viết tương lai bằng công nghệ số.

Trịnh Bình

Lịch sử tỉnh Bình Dương – từ vùng đất thuần nông thành trung tâm của Việt Nam

0

Từ vùng đất thuần nông trở thành trung tâm công nghiệp, địa giới hành chính Bình Dương đã trải qua nhiều lần tách, nhập nhằm đáp ứng nhiệm vụ chiến đấu, bảo vệ và xây dựng đất nước qua từng thời kỳ.

Theo Nghị quyết số 136/NQ-CP ngày 29/12/2013 của Chính phủ, tỉnh Bình Dương có diện tích tự nhiên là 2.694,43 km2 (chiếm khoảng 0,83% diện tích cả nước, khoảng 12% diện tích miền Đông Nam Bộ); Dân số là 2.763.120 người (tính đến ngày 1/4/2024) theo kết quả điều tra dân số giữa kỳ năm 2024, đứng thứ 06 cả nước.

binh-duong.png

Vị trí địa lý

Bình Dương là tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Phía Đông giáp tỉnh Đồng Nai, phía Bắc giáp tỉnh Bình Phước, phía Tây giáp tỉnh Tây Ninh và một phần thành phố Hồ Chí Minh, phía Nam giáp thành phố Hồ Chí Minh và một phần tỉnh Đồng Nai.

Bình Dương vùng đất tôi yêu
Nơi đây chứa đựng bao điều thiết tha
Từ trẻ nhỏ, đến cụ già
Ai ai cũng biết dân ca, câu hò

Thủ Dầu Một, huyện Tân Uyên
Thuận An, Bến Cát, Dầu Tiếng, Phú Giao
Những mảnh đất của hôm nào
Tạo nên vùng đất ngọt ngào Bình Dương

Vốn gắn liền với Gia Định, Đồng Nai xưa, tức là miền Đông Nam Bộ ngày nay, cư dân Bình Dương là một bộ phận cư dân miền Đông Nam bộ, đồng thời Bình Dương là vùng đất được bao bọc bởi sông Đồng Nai và sông Sài Gòn.

Đến tháng 11/2024, tỉnh Bình Dương có 05 thành phố (gồm các thành phố Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên, Bến Cát) và 04 huyện (gồm các huyện Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên).

ttxvn-thu-dau-mot.jpg
Biểu tượng “Cánh hoa dầu” được xây dựng tại khu vực phố đi bộ Bạch Đằng bên sông Sài Gòn (phường Phú Cường, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương). (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)

Lịch sử hình thành và phát triển

Trải qua từng giai đoạn lịch sử của đất nước, vùng đất Bình Dương ngày nay đã nhiều lần thay đổi tên gọi khác nhau trong thời kỳ chiến tranh, nhằm đáp ứng việc chỉ đạo chiến lược từng giai đoạn lịch sử. Vùng đất Thủ Dầu Một – Bình Dương nhiều lần sáp nhập, tách ra với những tên gọi khác nhau, nhưng vẫn là một chiến trường thống nhất trên hướng chiến lược quan trọng ở phía bắc Sài Gòn.

Trước năm 1975

Tiến trình nhập cư của người Việt diễn ra liên tục suốt thế kỷ thứ XVII. Để chính thức hóa một tình hình thực tế về dân cư và hành chính, mùa xuân năm Mậu Dần (1698), Chưởng cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược vùng đất phương Nam, xác lập cương thổ, xây dựng thiết chế hành chính lập Phủ Gia định gồm hai huyện Phước Long với dinh Trấn Biên (gồm toàn bộ miền Đông Nam Bộ ngày nay) và huyện Tân Bình với dinh Phiên Trấn (gồm Tây Ninh, thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Long An … ngày nay). Đây là đơn vị hành chính được xác lập đầu tiên trên vùng đất mới khai khẩn của người Việt ở Phương Nam.

Dưới triều nhà Nguyễn, vùng đất Bình Dương thuộc tổng Bình An, tỉnh Biên Hòa. Đến thời Gia Long, tổng Bình An được nâng lên thành huyện Bình An, có hai tổng là An Thủy và Phước Chánh, bao gồm các vùng đất: Bến Cát, Dầu Tiếng, Hớn Quản, Bình Long, Lộc Ninh, Lái Thiêu và một phần đất của huyện Ngãi An (Thủ Đức ngày nay); huyện lỵ đặt tại Phú Cường.

Đến năm thứ hai đời vua Minh Mạng, huyện Bình An phân ra làm 4 tổng, gồm: Bình Chánh Thượng, Bình Chánh Hạ, Bình Chánh Trung và Bình Chánh Tây. Đời vua Minh Mạng thứ 18, lại trích tổng An Thủy và Bình Chánh Hạ đặt thành huyện Ngãi An (huyện Thủ Đức ngày nay). Còn lại 3 tổng cùng có tên là Bình Chánh thì đổi thành Bình Chánh, Bình Điền và Bình Thổ. Tổng Thủ An Lợi vẫn giữ như cũ và lấy thêm 10 sách man (10 làng của người thiểu số) gộp vào lập ra 2 tổng là: Cửu An và Quảng Lợi.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu: Từ năm 1808 đến năm 1837, huyện Bình An chia làm 10 tổng là: Bình Chánh, Bình Điền, Bình Thiện, Bình Thổ, Bình Hưng, An Bình, An Điền, An Thành, An Thổ, An Thủy. Từ năm 1837 về sau, 4 tổng bắt đầu từ chữ An được tách ra thành lập huyện Ngãi An.

Tổng Bình Điền nêu trên là một tổng mới của huyện Bình An. Tổng mới này lập ra để thay thế tổng Bình Chánh Trung, trước đó có địa bàn gần như toàn bộ vị trí của thị xã Thủ Dầu Một hiện nay.

Sau khi chiếm được Nam Kỳ, thực dân Pháp cải tổ các đơn vị hành chính cho phù hợp với chế độ thuộc địa. Ngày 5/1/1876, đô đốc Đuyperê (Duperré), tổng lực lượng viễn chinh Pháp tại Nam kỳ, ra nghị định phân chia toàn bộ Nam kỳ thành 4 khu vực hành chính lớn (Circonscription administrative) là: Sài Gòn, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Bát Xắc (Bassac). Mỗi khu vực hành chính lớn lại được chia nhỏ thành nhiều tiểu khu hành chính (Arrondissement administratif). Trong đó, khu vực Sài Gòn gồm 5 tiểu khu: Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Bà Rịa và Gia Định (ngoại vi Sài Gòn).

Đến ngày 20/12/1899, đổi tiểu khu (Arrondissment) thành tỉnh (Province), tiểu khu Thủ Dầu Một lúc đó thành tỉnh Thủ Dầu Một. Tỉnh Thủ Dầu Một trong thời gian này có 12 tổng và 8 làng của người Việt ở xen kẽ trong các tổng của người dân tộc ít người. Có 6 tổng hoàn toàn của người Việt: Bình Chánh, Bình Điền, Bình Thiện, Bình Thổ, Bình Hưng, Bình Thạnh Thượng (khu vực Dầu Tiếng). Còn 6 tổng khác đa số là dân tộc ít người: Cửu An, Lộc Ninh, Minh Ngãi (An Lộc), Phước Lễ, Quảng Lợi, Thạnh An và 8 làng của người Việt nằm xen kẽ trong các tổng người dân tộc ít người là Mỹ Thạnh, Tân Khai, Tân Lập, Tân Quan, Tân Phú, Tân Thanh, Thanh Phú, Thanh Sơn. Tổ chức hành chính này tồn tại cho đến khi quân Pháp chịu thua ở Việt Nam phải ký hiệp định Giơnevơ năm 1954.

Đến khi Mỹ-ngụy thay chân Pháp, theo sắc lệnh số 143/NV ngày 22/10/1956, chính quyền Sài Gòn chia Thủ Dầu Một ra thành hai tỉnh Bình Dương, Bình Long và một số xã nhập vào tỉnh Phước Long.

Năm 1959, địch cắt một phần đất của tỉnh Biên Hòa và Bình Dương thành lập tỉnh Phước Thành, nhưng đến năm 1965, chúng giải thể tỉnh này.

Về phía cách mạng, từ năm 1945-1975 địa giới hành chính của Thủ Dầu Một (Bình Dương) có những lần thay đổi như sau:

Tháng 5/1951, do yêu cầu thống nhất chỉ đạo chiến trường, tỉnh Thủ Dầu Một và Biên Hòa sáp nhập thành tỉnh Thủ Biên.

Tháng 1/1955, Xứ ủy Nam Bộ quyết định tách tỉnh Thủ Biên thành hai tỉnh Thủ Dầu Một và Biên Hòa. Thủ Dầu Một lúc đó gồm các huyện: Lái Thiêu, Châu Thành, Bến Cát, Chơn Thành, Hớn Quản, Lộc Ninh và các đồn điền cao su: Dầu Tiếng, Quản Lợi, Lộc Ninh với tổng số 65 xã và hơn 30 làng công nhân cao su.

Tháng 9 năm 1960, Xứ ủy Nam Bộ quyết định nhập Thủ Dầu Một và Biên Hòa thành tỉnh Thủ Biên lần thứ hai.

Tháng 6/1961, Xứ ủy lại tách Thủ Biên thành 2 tỉnh Thủ Dầu Một, Biên Hòa và thành lập thêm 3 tỉnh mới: Phước Thành, Bình Long, Phước Long theo địa bàn hành chính của ngụy quyền Sài Gòn. Tỉnh Thủ Dầu Một bấy giờ gồm các huyện: Lái Thiêu, Châu Thành, Bến Cát, Dầu Tiếng.

Tháng 10/1967, Trung ương Cục bố trí lại chiến trường, thành lập 5 phân khu thành 5 mũi tiến công vào Sài Gòn và Phân khu 6 nội đô Sài Gòn để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968. Thủ Dầu Một lúc bấy giờ thuộc phân khu 5 gồm các huyện: Tân Uyên, Phú Giáo, quận 5 (Bù Cháp, Lý Lịch), Châu Thành, Lái Thiêu, Bắc Thủ Đức, Dĩ An và thị xã Thủ Dầu Một. (Bến Cát và Dầu Tiếng thuộc phân khu I).

Tháng 5/1971, Phân khu 5 giải thể rồi thành lập phân khu Thủ Biên. Thực hiện chỉ thị 08/CT ngày 30/8/1972 của Thường vụ Trung ương cục, Khu ủy miền Đông được thành lập lại, giải thể các phân khu, thành lập lại các tỉnh. Tỉnh Thủ Dầu Một được tái lập vào tháng 10/1972.

Tháng 10/1973, Trung ương Cục quyết định tách các huyện: Tân Uyên, Phú Giáo, quận 5 của Thủ Dầu Một (gồm 2 xã Bù Cháp và Lý Lịch); các xã phía nam và đông nam của Phước Long; Định Quán, Độc Lập của Biên Hòa để thành lập tỉnh căn cứ Tân Phú. Đến cuối năm 1974, Phú Giáo và Tân Uyên lại trả về Thủ Dầu Một. Như vậy, đến đầu năm 1975, tỉnh Thủ Dầu Một gồm các huyện thị: Bến Cát (nam, bắc Bến Cát), Lái Thiêu, Châu Thành, Tân Uyên, Dĩ An, Phú Giáo, Dầu Tiếng và thị xã Thủ Dầu Một.

clip11.jpg
Chợ Thủ Dầu Một trước năm 1975 (ảnh tư liệu)

Sau năm 1975

Ngày 02/7/1976, sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi, do yêu cầu phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội-chính trị-quốc phòng …, Quốc Hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định sáp nhập các tỉnh Thủ Dầu Một, Bình Phước và 4 xã An Bình, Bình An, Đông Hòa, Tân Đông Hiệp (thuộc huyện Thủ Đức) thành tỉnh Sông Bé, chia thành 8 huyện (Bình Long, Lộc Ninh, Phước Long, Bù Đăng, Đồng Phú, Bến Cát, Tân Uyên, Thuận An) và thị xã (Thủ Dầu Một) gồm 141 xã. Tỉnh lỵ đặt tại thị xã Thủ Dầu Một.

Ngày 06/11/1996, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định tách tỉnh Sông Bé thành hai tỉnh Bình Phước và Bình Dương như hiện nay. Tháng 12/1996, Nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 quyết định chia tách tỉnh Sông Bé thành hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước cũng như việc thành lập Đảng bộ tỉnh Bình Dương là một sự kiện đúng đắn, kịp thời, có ý nghĩa “nhân thời mở vận” để Bình Dương bước sang một trang sử mới, tạo tiền đề để Bình Dương phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, chủ động tìm tòi, sáng tạo trong phát triển toàn diện kinh tế-xã hội, đưa tỉnh trở thành hình mẫu lý tưởng của đất nước về công nghiệp hóa, đô thị hóa.

Bằng những chính sách phù hợp, đến tháng 10/2024, Bình Dương đã thu hút được hàng nghìn dự án đầu tư nước ngoài, với hàng chục nghìn doanh nghiệp trong nước. Nhiều khu đô thị và dân cư mới văn minh, hiện đại được hình thành, trong đó tiêu biểu nhất là thành phố mới Bình Dương với điểm nhấn là Trung tâm hành chính tập trung của tỉnh đã chính thức đi vào hoạt động từ ngày 20/02/2014.

Nghị quyết số 60-NQ/TW, ngày 12/4/2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã quyết định hợp nhất tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh; lấy tên là Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm chính trị-hành chính đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay./.

ttxvn-binh-duong.jpg
Thành phố mới Bình Dương. (Ảnh: Huyền Trang/TTXVN)

(Vietnam+)

Hoành tráng màn tổng duyệt lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước

0

Sáng 27-4, Tổng duyệt lễ diễu binh, diễu hành Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước đã diễn ra tại trục đường Lê Duẩn, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

[Ảnh] Hoành tráng màn tổng duyệt lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước ảnh 1
[Ảnh] Hoành tráng màn tổng duyệt lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước ảnh 2
[Ảnh] Hoành tráng màn tổng duyệt lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước ảnh 3
[Ảnh] Hoành tráng màn tổng duyệt lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước ảnh 4
[Ảnh] Hoành tráng màn tổng duyệt lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước ảnh 5
[Ảnh] Hoành tráng màn tổng duyệt lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước ảnh 6
[Ảnh] Hoành tráng màn tổng duyệt lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước ảnh 7
[Ảnh] Hoành tráng màn tổng duyệt lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước ảnh 8
[Ảnh] Hoành tráng màn tổng duyệt lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước ảnh 9
[Ảnh] Hoành tráng màn tổng duyệt lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước ảnh 10
[Ảnh] Hoành tráng màn tổng duyệt lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước ảnh 11
[Ảnh] Hoành tráng màn tổng duyệt lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước ảnh 12
[Ảnh] Hoành tráng màn tổng duyệt lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước ảnh 13
[Ảnh] Hoành tráng màn tổng duyệt lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước ảnh 14
[Ảnh] Hoành tráng màn tổng duyệt lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước ảnh 15
[Ảnh] Hoành tráng màn tổng duyệt lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước ảnh 16
[Ảnh] Hoành tráng màn tổng duyệt lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước ảnh 17
[Ảnh] Hoành tráng màn tổng duyệt lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước ảnh 18
[Ảnh] Hoành tráng màn tổng duyệt lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước ảnh 19
[Ảnh] Hoành tráng màn tổng duyệt lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước ảnh 20
[Ảnh] Hoành tráng màn tổng duyệt lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước ảnh 21
[Ảnh] Hoành tráng màn tổng duyệt lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước ảnh 22
[Ảnh] Hoành tráng màn tổng duyệt lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước ảnh 23
[Ảnh] Hoành tráng màn tổng duyệt lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước ảnh 24
[Ảnh] Hoành tráng màn tổng duyệt lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước ảnh 25
[Ảnh] Hoành tráng màn tổng duyệt lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước ảnh 26
[Ảnh] Hoành tráng màn tổng duyệt lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước ảnh 27
[Ảnh] Hoành tráng màn tổng duyệt lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước ảnh 28

Theo NDO

HĐND tỉnh thông qua nghị quyết sáp nhập cấp tỉnh, xã và một số nội dung quan trọng khác

0

Sáng 24-4, HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức kỳ họp thứ 23 (chuyên đề). Ông Nguyễn Văn Lộc, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì kỳ họp.

Dự kỳ họp có ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, đại biểu HĐND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành.

Ông Nguyễn Văn Lợi phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp

Phát biểu tại kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi nhấn mạnh: HĐND tỉnh tổ chức kỳ họp lần này trong một giai đoạn có ý nghĩa đặc biệt – thời điểm chuyển mình lịch sử của vùng Đông Nam Bộ, khi định hướng lớn về việc tổ chức lại không gian hành chính, trong đó có chủ trương sáp nhập Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu vào TP.Hồ Chí Minh để hình thành một siêu đô thị vùng – hạt nhân tăng trưởng cấp quốc gia, khu vực đang được Trung ương chỉ đạo triển khai thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Lộc phát biểu tại kỳ họp

Trước kỳ họp này, Tỉnh ủy đã tổ chức 2 Hội nghị Tỉnh ủy (lần thứ 46 và 47) đã thông qua Nghị quyết về Đề án không tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện, sắp xếp sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp trên địa bàn tỉnh, với tỷ lệ thống nhất 100%. Đề án được trình HĐND tỉnh cho ý kiến, biểu quyết để hoàn thiện hồ sơ và báo cáo Trung ương trước ngày 1-5-2025.

Lãnh đạo tỉnh và đại biểu tham dự kỳ họp

Ông Nguyễn Văn Lợi đề nghị, đại biểu HĐND tỉnh phát huy tinh thần trách nhiệm trước cử tri và nhân dân tỉnh nhà, nghiên cứu kỹ lưỡng, thảo luận toàn diện, đánh giá khách quan, kỹ lưỡng từng nội dung của đề án, để đảm bảo tính khả thi trong thực tiễn và đạt được sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị, cũng như trong nhân dân và thông qua Đề án để trình Chính phủ, Ủy Ban Thường vụ Quốc hội theo quy định.

Thường trực HĐND tỉnh tiếp tục lãnh đạo, bám sát tiến độ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương để nghiên cứu, triển khai thực hiện kịp thời các nội dung liên quan đến thẩm quyền của HĐND tỉnh trong thời gian tới. Đồng thời chủ động, tích cực nghiên cứu kỹ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương để hướng dẫn việc kết thúc hoạt động của HĐND cấp huyện và tổ chức hoạt động của HĐND cấp xã mới thành lập. 

Cần triển khai có đồng bộ, có chiều sâu, đảm bảo đội ngũ cán bộ công chức, người dân hiểu rõ, đồng thuận, tin tưởng vào chủ trương của Đảng, Nhà nước. Tuyệt đối không để xảy ra tâm lý hoang mang, đồn đoán, xuyên tạc, lợi dụng tình hình để gây mất đoàn kết… 

Bà Nguyễn Trường Nhật Phượng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh thông qua nộp dung chương trình kỳ họp

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi đề nghị HĐND, các đại biểu HĐND tăng cường giám sát việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Trung ương và của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cũng như Nghị quyết của HĐND về ban hành sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ; quản lý tài sản sau sắp xếp, nhất là đối với những lĩnh vực dễ xảy ra sai phạm, góp phần chấn chỉnh việc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong thực thi công vụ.

Cùng với đó, đại biểu HĐND tỉnh cần xem xét tính khả thi của các dự án, trong đó điều chuyển, bổ sung vốn cho các dự án có nhu cầu giải ngân cao; cắt, giảm vốn đối với các dự án không giải ngân được; ưu tiên bố trí vốn cho các dự án trọng điểm, phấn đấu giải ngân đến hết quý II-2025 đạt tỷ lệ trên 60%… 

Đại diện UBND tỉnh trình bày các tờ trình tại Kỳ họp

Tại kỳ họp, đại biểu HĐND tỉnh đã xem xét, thảo luận các Tờ trình của UBND tỉnh, báo cáo thẩm tra các nội dung trình kỳ họp của các ban: Kinh tế – Ngân sách, Văn hóa – Xã hội, Pháp chế HĐND tỉnh; đồng thời, đã biểu quyết thông qua 14 nghị quyết quan trọng thuộc các lĩnh vực về đầu tư công; sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, xã; chính sách an sinh; miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021 – 2026 đối với ông Nguyễn Hoàng Minh, lý do chuyển công tác khác…

Lãnh đạo các Ban và Văn phòng HĐND tỉnh trình bày báo cáo thẩm tra, dự thảo nghị quyết

Phát biểu bế mạc Kỳ họp, ông Nguyễn Văn Lộc, nhấn mạnh: đây là kỳ họp mang tính lịch sử, HĐND tỉnh đã thông qua 14 Nghị quyết quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế – ngân sách, văn hóa -xã hội, pháp chế với sự đồng thuận, thống nhất cao, thể hiện sự đồng hành kịp thời của HĐND tỉnh với UBND tỉnh trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương theo yêu cầu thực tiễn. Đặc biệt, HĐND tỉnh đã tán thành chủ trương hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh; sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Bình Dương.

HĐND tỉnh đề nghị các vị đại biểu HĐND tỉnh, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố tiếp thu đầy đủ các nội dung chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi tại kỳ họp và tổ chức thực hiện nghiêm túc theo chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, địa phương. 

Đại biểu biểu quyết thông qua các nghị quyết qua App ứng dụng
Quang cảnh kỳ họp

Để các nghị quyết thông qua tại kỳ họp lần này được thực hiện hiệu quả, đáp ứng kịp thời yêu cầu, nhiệm vụ, ông Nguyễn Văn Lộc đề nghị UBND tỉnh, các ngành, các cấp tập trung thực hiện các nghị quyết đúng tiến độ quy định…

HĐND tỉnh đã thông qua 14 nghị quyết, gồm: Nghị quyết về việc cho ý kiến chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh. Nghị quyết về việc cho ý kiến chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Bình Dương; Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 43/NQ-HĐND ngày 9-12-2024 của HĐND tỉnh Bình Dương về dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; thu, chi và phân bổ ngân sách địa phương năm 2025. Nghị quyết về điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 vốn ngân sách địa phương (lần 8). Nghị quyết về điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2025 vốn ngân sách nhà nước (lần 2). Nghị quyết về việc đồng thuận đề xuất thực hiện dự án kết nối tỉnh Đồng Nai (xây dựng cầu Hiếu Liêm 2). Nghị quyết về phân cấp quyết định phê duyệt đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết tại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của địa phương. Nghị quyết về danh mục bổ sung các khu đất thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Nghị quyết về việc đặt tên một số tuyến đường trên địa bàn thành phố Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Nghị quyết về việc đặt tên cầu thuộc công trình xây dựng đường và cầu kết nối tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh. Nghị quyết về bãi bỏ Nghị quyết số 11/2023/NQ-HĐND ngày 26-7-2023 của HĐND tỉnh quy định nội dung chi, mức chi lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Nghị quyết về bãi bỏ Nghị quyết số 02/2025/NQ-HĐND ngày 24-1-2025 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người làm việc khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Nghị quyết về quy định chính sách hỗ trợ đối với người đã tham gia lực lượng cơ động xử lý sự cố giao thông, lực lượng 113 bán chuyên trách trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Nghị quyết về xác nhận kết quả miễn nhiệm chức danh Ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương khóa X, nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Đỗ Trọng

Tên gọi dự kiến của 36 xã, phường ở Bình Dương sau sáp nhập

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương tán thành sau sắp xếp dự kiến còn lại 36 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 24 phường, 12 xã), đạt tỷ lệ 39,6%

Chiều 14-4, tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bình Dương đã thông qua dự kiến tên gọi, trụ sở các xã, phường sau sáp nhập, hợp nhất.

Theo đó, tổng số đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh hiện nay là 91 đơn vị hành chính. Trên cơ sở tỷ lệ giảm theo định hướng của Trung ương, tiêu chí về diện tích và dân số, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương tán thành sau sắp xếp dự kiến còn lại 36 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 24 phường, 12 xã), đạt tỷ lệ 39,6% (giảm 55 đơn vị hành chính cấp xã, đạt tỷ lệ 60,4%).

Tên gọi dự kiến của 36 xã, phường ở Bình Dương sau sáp nhập- Ảnh 1.
TP Mới Bình Dương sau sáp nhập dự kiến sẽ thuộc phường Bình Dương (phường trọng điểm)

Đồng thời, thống nhất xác định 10 đơn vị hành chính cấp xã là địa bàn trọng điểm của tỉnh và các địa phương cấp huyện hiện nay để tạo không gian dư địa phát triển, nâng tầm đô thị trong tương lai.

Dự kiến tên gọi 36 phường, xã của Bình Dương sau sáp nhập như sau:

TP Dĩ An có 3 phường:

(1) Hợp nhất phường Bình An, phường Bình Thắng và phường Đông Hòa, lấy tên là phường Đông Hòa, trụ sở đặt tại phường Đông Hòa.

(2) Hợp nhất phường Dĩ An, phường An Bình và các khu phố: Chiêu Liêu, Chiêu Liêu A, Đông Chiêu, Đông Chiêu A, Tân Long của phường Tân Đông Hiệp lấy tên là phường Dĩ An trụ sở đặt tại UBND TP Dĩ An (đây là phường trọng điểm của địa bàn Dĩ An).

(3) Hợp nhất phường Tân Bình, các khu phố: Đông Thành, Đông An, Tân An, Đông Tác của Phường Tân Đông Hiệp và các khu phố: Ba Đình, Tân Ba, Mỹ Hiệp, Tân Mỹ của phường Thái Hòa, TP Tân Uyên lấy tên là phường Tân Đông Hiệp, trụ sở đặt tại phường Tân Bình.

TP Thuận An có 5 phường:

(4) Hợp nhất xã An Sơn, phường Hưng Định và phường An Thạnh, lấy tên là phường Thuận An, trụ sở đặt tại phường Hưng Định.

(5) Hợp nhất phường Thuận Giao và các khu phố: Bình Quới A, Bình Quới B, Bình Phú thuộc phường Bình Chuẩn, lấy tên là phường Thuận Giao, trụ sở đặt tại phường Bình Chuẩn.

(6) Hợp nhất phường Bình Hòa và các khu phố: Trung, Đông, Phú Hội của phường Vĩnh Phú, lấy tên là phường Bình Hòa, trụ sở đặt tại phường Bình Hòa.

(7) Hợp nhất phường Lái Thiêu, phường Bình Nhâm và các khu phố: Hòa Long, Tây của phường Vĩnh Phú, lấy tên là phường Lái Thiêu, trụ sở đặt tại UBND TP Thuận An (đây là phường trọng điểm của địa bàn Thuận An).

(8) Hợp nhất phường An Phú và các khu phố: Bình Phước A, Bình Phước B phường thuộc phường Bình Chuẩn, lấy tên là phường An Phú, trụ sở đặt tại phường An Phú.

TP Thủ Dầu Một có 5 phường:

(9) Hợp nhất phường Hòa Phú, phường Phú Mỹ, phường Phú Tân và phường Phú Chánh, TP Tân Uyên, lấy tên là phường Bình Dương, trụ sở đặt tại phường Hòa Phú (đây là phường trọng điểm của Bình Dương).

(10) Hợp nhất phường Định Hòa, phường Chánh Mỹ (trừ các khu phố: Chánh lộc 1, Chánh lộc 2, Chánh Lộc 7), phường Hiệp Thành (các khu phố: 5, 6) và phường Tương Bình Hiệp, lấy tên là phường Chánh Hiệp, trụ sở đặt tại phường Tương Bình Hiệp.

(11) Hợp nhất phường Phú Cường, phường Phú Thọ, phường Chánh Nghĩa, các khu phố: 1, 2, 3, 4 của phường Hiệp Thành và các khu phố: Chánh Lộc 1, Chánh Lộc 2, Chánh Lộc 7 của phường Chánh Mỹ lấy tên là phường Thủ Dầu Một, trụ sở đặt tại UBND TP Thủ Dầu Một (đây là phường trọng điểm của Bình Dương).

(12) Hợp nhất phường Phú Lợi, phường Phú Hòa và các khu phố: 7, 8 của phường Hiệp Thành, lấy tên là phường Phú Lợi, trụ sở đặt tại phường Phú Hòa.

(13) Hợp nhất phường Tân An, phường Hiệp An và xã Phú An, lấy tên là phường Phú An, trụ sở đặt tại phường Hiệp An.

TP Tân Uyên có 5 phường:

(14) Hợp nhất phường Vĩnh Tân và thị trấn Tân Bình, huyện Bắc Tân Uyên, lấy tên là phường Vĩnh Tân, trụ sở đặt tại phường Vĩnh Tân.

(15) Hợp nhất phường Hội Nghĩa và xã Bình Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên, lấy tên là phường Bình Mỹ, trụ sở đặt tại phường Bình Mỹ.

(16) Hợp nhất xã Bạch Đằng, phường Uyên Hưng, xã Tân Lập, các ấp: 2, 3, Xóm Đèn, Vườn Vũ, Bưng Lương của xã Tân Mỹ và các ấp của xã Đất Cuốc, lấy tên là phường Tân Uyên, trụ sở đặt tại UBND thành phố Tân Uyên (đây là phường trọng điểm của Tân Uyên).

(17) Hợp nhất phường Khánh Bình và phường Tân Hiệp, lấy tên là phường Tân Hiệp, trụ sở đặt tại phường Tân Hiệp.

(18) Hợp nhất phường Thạnh Phước, xã Thạnh Hội, các khu phố: Phước Thái, Phước Hải, An Thành, Vĩnh Phước của phường Thái Hòa, phường Tân Phước Khánh và phường Tân Vĩnh Hiệp, lấy tên là phường Tân Khánh, trụ sở đặt tại phường Thái Hòa.

TP Bến Cát có 6 phường:

(19) Hợp nhất phường An Tây, xã Thanh Tuyền (trừ ấp Đường Long) và ấp Kiến An, ấp Hố Cạn, xã An Lập, huyện Dầu Tiếng, lấy tên là phường Tây Nam, trụ sở đặt tại phường An Tây.

(20) Hợp nhất phường An Điền, khu phố 1 phường Mỹ Phước và xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng, lấy tên là phường Long Nguyên, trụ sở đặt tại phường An Điền.

(21) Hợp nhất phường Mỹ Phước (trừ khu phố 1), xã Lai Hưng và xã Tân Hưng huyện Bàu Bàng lấy tên là phường Bến Cát, trụ sở đặt tại UBND thành phố Bến Cát (đây là phường trọng điểm của Bến Cát).

(22) Hợp nhất phường Chánh Phú Hòa và xã Hưng Hòa, huyện Bàu Bàng, lấy tên là phường Chánh Phú Hòa, trụ sở đặt tại phường Chánh Phú Hòa.

(23) Phường Thới Hòa giữ nguyên hiện trạng hiện nay.

(24) Hợp nhất phường Hòa Lợi và phường Tân Định, lấy tên là phường Tân Định, trụ sở đặt tại phường Hòa Lợi.

Huyện Bắc Tân Uyên có 2 xã:

(25) Hợp nhất xã Đất Cuốc, xã Tân Định và thị trấn Tân Thành, lấy tên là xã Bắc Tân Uyên, trụ sở đặt tại UBND huyện Bắc Tân Uyên (đây là xã trọng điểm của Bắc Tân Uyên)

(26) Hợp nhất xã Tân Mỹ (các ấp: 1, Giáp Lạc), xã Thường Tân, xã Lạc An và xã Hiếu Liêm, lấy tên là xã Thường Tân, trụ sở đặt tại xã Thường Tân.

Huyện Phú Giáo có 4 xã:

(27) Hợp nhất xã An Linh, xã An Long và xã Tân Long lấy tên là xã Phú Giáo, trụ sở đặt tại xã An Long.

(28) Hợp nhất xã An Thái, xã Phước Sang và xã Tân Hiệp lấy tên là xã Phước Thành, trụ sở đặt tại xã Phước Sang.

(29) Hợp nhất xã Vĩnh Hòa, xã phước Hòa và các ấp: Cây Khô, Đuôi Chuột của xã Tam Lập lấy tên là xã Phước Hòa, trụ sở đặt tại xã Vĩnh Hòa.

(30) Hợp nhất xã An Bình, thị trấn Phước Vĩnh và các ấp: Gia Biện, Đồng Tâm của xã Tam Lập, lấy tên là xã Phước Vĩnh, trụ sở đặt tại UBND huyện Phú Giáo (đây là xã trọng điểm của Phú Giáo).

Huyện Bàu Bàng có 2 xã:

(31) Hợp nhất xã Trừ Văn Thố, xã Cây Trường II và khu phố Bàu Lòng của thị trấn Lai Uyên, lấy tên là xã Trừ Văn Thố, trụ sở đặt tại xã Trừ Văn Thố.

(32) Thị trấn Lai Uyên (trừ Khu phố Bàu Lòng), lấy tên là xã Bàu Bàng, trụ sở đặt tại UBND huyện Bàu Bàng (đây là xã trọng điểm của Bàu Bàng).

Huyện Dầu Tiếng có 4 xã:

(33) Hợp nhất xã Minh Tân (trừ ấp Tân Định), xã Minh Hòa và xã Minh Thạnh (trừ các ấp: Căm Xe, Cần Đôn) lấy tên là xã Minh Thạnh, trụ sở đặt tại xã Minh Hòa.

(34) Hợp nhất xã Long Tân, xã Long Hòa, ấp Tân Định của xã Minh Tân và các ấp: Căm Xe, Cần Đôn của xã Minh Thạnh, lấy tên là xã Long Hòa, trụ sở đặt tại xã Long Hòa.

(35) Hợp nhất xã Định An, xã Định Thành, thị trấn Dầu Tiếng và các ấp: Định Lộc, Hiệp Thọ, Hiệp Lộc, Hiệp Phước của xã Định Hiệp lấy tên là xã Dầu Tiếng, trụ sở đặt tại UBND huyện Dầu Tiếng (đây là xã trọng điểm của Dầu Tiếng)

(36) Hợp nhất xã Thanh An, các ấp: Định Phước, Đồng Trai, Định Thọ, Dáng Hương của xã Định Hiệp, ấp Đường Long của xã Thanh Tuyền và xã An lập (trừ ấp Hố Cạn, ấp Kiến An) lấy tên là xã Thanh An, trụ sở đặt tại xã Thanh An.

Thanh Thảo

TP HCM lấy ý kiến người dân về sáp nhập Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu

0

TP HCM lấy ý kiến người dân về sáp nhập Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu

Chính quyền thành phố lấy ý kiến người dân về việc sáp nhập với tỉnh Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu để lập TP HCM mới, mở rộng không gian phát triển ba địa phương.

Sáng 13/4, nhiều phường ở TP Thủ Đức phát phiếu lấy ý kiến cử tri về sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh. Người dân được hỏi “đồng ý” hay “không đồng ý” về nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của TP HCM, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu để lập TP HCM mới. Người có ý kiến khác ghi vào phiếu.

Phiếu lấy ý kiến cử tri về việc sáp nhập. Ảnh: An Phương
Phiếu lấy ý kiến cử tri về việc sáp nhập. Ảnh: An Phương

Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, cho biết các phường trên địa bàn thành phố triển khai lấy ý kiến theo yêu cầu của Sở Nội vụ. Người dân có thể tìm hiểu đề án được đăng tải trên trang thông tin của UBND TP HCM, quận, huyện và niêm yết tại trụ sở UBND xã, phường. Địa phương sẽ tổng hợp ý kiến người dân báo cáo về thành phố.

Theo Sở Nội vụ TP HCM, lấy ý kiến cử tri sáp nhập TP HCM, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu tại địa bàn sẽ triển khai theo từng khu phố, ấp hoặc tổ chức liên khu phố, ấp tùy theo điều kiện địa phương. Thời gian thực hiện từ ngày 12-13/4.

Sau khi lấy ý kiến, UBND cấp xã tổng hợp và lập báo cáo kết quả cử tri trên địa bàn, cấp ủy cùng cấp thống nhất (đối với xã, phường không tổ chức HĐND), trình thông qua HĐND cấp xã ban hành nghị quyết thống nhất chủ trương sáp nhập (xã, phường tổ chức HĐND) và gửi đến UBND cấp huyện (thông qua Phòng Nội vụ). Thời gian thực hiện trong ngày 14/4.

TP HCM rộng hơn 2.095 km2, gần 10 triệu dân, là đô thị xếp loại đặc biệt, gồm TP Thủ Đức, 21 quận, huyện, có 273 phường, xã, thị trấn. Bình Dương rộng hơn 2.694 km2, hơn 2,4 triệu người, gồm 5 thành phố và 4 huyện với 45 phường, 5 thị trấn và 41 xã. Bà Rịa – Vũng Tàu rộng hơn 1.982 km2, hơn 1,3 triệu người, với 40 xã, 30 phường và 7 thị trấn thuộc 3 thành phố và 4 huyện. Đây là ba địa phương phát triển kinh tế, xã hội cao ở vùng Đông Nam Bộ và cả nước.

Trung tâm TP HCM Ảnh: Quỳnh Trần
Trung tâm TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

TP HCM mới sau sắp xếp rộng hơn 6.772 km2 (đạt hơn 135% so với tiêu chuẩn dân số hơn 13,7 triệu người (đạt 979 % so với tiêu chuẩn), 190 đơn vị hành chính trực thuộc, hình thành siêu đô thị mới của vùng Đông Nam Bộ. Trung tâm hành chính – chính trị ở 86 Lê Thánh Tôn (quận 1, TP HCM), cơ sở 2 ở Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương, đường Lê Lợi, TP Thủ Dầu Một và cơ sở 3 ở Trung tâm hành chính tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, số 1 đường Phạm Văn Đồng, TP Bà Rịa.

Sau khi sáp nhập, TP HCM mới sẽ thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm theo mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, tạo bước đột phá, lan tỏa trong phát triển kinh tế vùng, liên vùng được Bộ Chính trị giao tại Nghị quyết số 24.

Tại hội nghị Trung ương 11 khóa 13 bế mạc hôm 12/4, Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất giảm số đơn vị hành chính cấp tỉnh trên cả nước từ 63 xuống 34, trong đó có 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương. Một số phương án sáp nhập đang được nghiên cứu như Đà Nẵng và Quảng Nam; Bắc Giang và Bắc Ninh; Hải Phòng và Hải Dương; Lào Cai và Yên Bái; Quảng Ngãi và Kon Tum…

Lê Tuyết

UBND tỉnh thống nhất về tuyến đường sắt số 1 thành phố mới Bình Dương – Suối Tiên và một số dự án trọng điểm khác

0

Chiều 8-4, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì phiên họp lần thứ 90 UBND tỉnh. Cùng tham dự có các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Bùi Minh Thạnh, Bùi Minh Trí cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thành phố.  

Ông Võ Văn Minh phát biểu tại phiên họp

Tại phiên họp đã thông qua 16 nội dung, trong đó có nội dung tờ trình, dự thảo về dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 Thành phố mới Bình Dương – Suối Tiên (TP.Hồ Chí Minh), với quy mô đầu tư chiều dài tuyến chính 32,43km, bao gồm tuyến chính 29,01km, đoạn nối Depot 3,42Km đi qua 4 thành phố: Tân Uyên, Thủ Dầu Một, Thuận An và Dĩ An, với 19 nhà ga, 1 Depot tại phường Phú Chánh, TP.Tân Uyên. 

Theo phương án đầu tư có Depot sẽ có tổng mức khoảng 64.370 tỷ đồng, còn phương án chưa đầu tư Depot (dùng chung Depot Long Bình của TP.HCM) có tổng mức đầu tư khoảng 56.301 tỷ đồng. 

Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Sở Xây dựng báo cáo tại phiên họp

Phiên họp cũng xem xét thông qua chủ trương về việc cho phép thi công theo lệnh khẩn cấp phục vụ phòng, chống thiên tai hạng mục cống qua đường Quốc lộ 1K, thuộc gói thầu xây lắp số 11 – rạch Cái Cầu (Suối Xiệp); dự án hệ thống thoát nước Dĩ An và khu công nghiệp Tân Đông Hiệp cùng một số dự án giao thông khác. 

Thông qua đề nghị thẩm định, phê duyệt quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu vực phát triển đô thị Tân An, phường Tân An, TP.Thủ Dầu Một; xem xét về kế hoạch bổ sung vốn đầu tư công trung hạn 2021- 2025 đối với các dự án như đường dọc Sông Bé (huyện Phú Giáo), đường dẫn cao tốc ĐT 741 đường Hồ Chí Minh, đường Vĩnh Phú 32, đường An Bình kết nối cầu vượt Sóng Thần…

Ông Vũ Tiến Sơn, Giám đốc Ban Quản lý dự án ngành nông nghiệp báo cáo về tờ trình dự án thoát nước trên QL 1K và KCN Tân Đông Hiệp
Ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng báo cáo quy hoạch phân khu 1/2000 khu vực phát triển đô thị Tân An, TP.Thủ Dầu Một

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh cơ bản thống nhất các nội dung tờ trình, đồng thời lưu ý một số vấn đề cấp thiết đối với các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Trong đó, dự án đường ven sông Sài Gòn theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cần được khẩn trương hoàn chỉnh thủ tục, hồ sơ để trình HĐND tỉnh xem xét thông qua, có thể bố trí vốn để sớm triển khai thi công trong thời gian tới…

Minh Duy