Công an tỉnh Bình Dương đẩy mạnh tấn công các loại tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Công an tỉnh Bình Dương vừa mở đợt cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) trước, trong và sau dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2025).
Toàn lực lượng Công an tỉnh Bình Dương tập trung đấu tranh với các loại tội phạm.
Theo Công an tỉnh Bình Dương, công an các đơn vị, địa phương chủ động rà soát, để kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, không để xảy ra bị động, bất ngờ.
Đẩy mạnh công tác đấu tranh trấn áp, bóc gỡ, triệt phá các băng, nhóm tội phạm, giữ vững tình hình ANTT.
Nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm và hiệu lực quản lý Nhà nước về ANTT, nhất là công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu và giải quyết tình hình ANTT tại cơ sở.
Đặc biệt, tập trung tấn công, trấn áp tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm liên quan “tín dụng đen”, tội phạm giết người, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, cướp, cướp giật tài sản…
Trong đó, đẩy mạnh tấn công tội phạm cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản và hoạt động lừa đảo trên không gian mạng…
Công an tỉnh Bình Dương đẩy mạnh tấn công các loại tội phạm.
Ngoài ra, thường xuyên cập nhật dữ liệu các loại đối tượng đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống”; ứng dụng hiệu quả Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước, Đề án 06/CP phục vụ quản lý xã hội và phòng, chống tội phạm.
Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân gây tai nạn giao thông.
Tăng cường công tác tuần tra bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trong đó tập trung xử lý nghiêm các vi phạm là nguyên nhân gây tai nạn giao thông theo các chuyên đề nồng độ cồn, ma túy, quá tải, quá khổ, sai làn đường, phóng nhanh, vượt ẩu, đảm bảo an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh…
Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước gồm chương trình nghệ thuật, diễu binh, diễu hành và được phát sóng trực tiếp trên VTV, HTV.
Kiểm tra hợp luyện diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành kế hoạch tổng thể Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành và các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975-30.4.2025).
Lễ kỷ niệm cấp quốc gia do Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, diễn ra từ 6 giờ 30 phút ngày 30-4 tại đường Lê Duẩn và một số tuyến đường trung tâm, được phát sóng trực tiếp trên các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh và các đài phát thanh, truyền hình địa phương.
Lễ kỷ niệm gồm chương trình nghệ thuật dài 30 phút do Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện.
Sau phần chào cờ là diễn văn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; phát biểu của đại diện cựu chiến binh, đại diện thế hệ trẻ; chương trình diễu binh, diễu hành và kết thúc bằng màn thả bóng bay, chim bồ câu.
Các hoạt động trọng tâm do Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo thực hiện.
Cụ thể, Lễ dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ sẽ diễn ra vào 8 giờ ngày 29-4 tại Nghĩa trang Liệt sỹ Thành phố, Nghĩa trang Thành phố (Lạc Cảnh), Đền tưởng niệm Bến Dược, Nghĩa trang Liệt sỹ huyện Củ Chi, Nghĩa trang chính sách Thành phố Hồ Chí Minh (huyện Củ Chi), Di tích Lịch sử cấp Quốc gia Ngã Ba Giồng (huyện Hóc Môn).
Lễ dâng hương, dâng hoa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Tôn Đức Thắng cấp Trung ương dự kiến vào chiều 29-4 và cấp Thành phố Hồ Chí Minh vào 9 giờ 30 phút ngày 29-4 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh – chi nhánh Thành phố, Bảo tàng Tôn Đức Thắng, công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và đường Nguyễn Huệ.
Cuộc đua Xe đạp cúp Truyền hình Thành phố lần thứ 37 với chủ đề “Non sông liền một dải” diễn ra trưa 30-4; bắn pháo hoa nghệ thuật vào tối 30-4.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng tổ chức hoạt động tri ân gia đình liệt sỹ, người có công với nước, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong và lực lượng tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975; tổng kết 50 năm văn học, nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh sau ngày thống nhất đất nước; khánh thành, khởi công công trình xây dựng trên các lĩnh vực.
Các hoạt động do bộ, ngành chủ trì, phối hợp tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh trong dịp lễ gồm Cầu truyền hình “Bản trường ca hòa bình” vào 20 giờ ngày 5-4 tại Hội trường Thống nhất; chương trình nghệ thuật ngoài trời “Đất nước trọn niềm vui” vào 20 giờ ngày 20-4 tại Hội trường Thống Nhất; cầu truyền hình cấp quốc gia “Vang mãi khúc khải hoàn” vào 20 giờ 10 phút ngày 27-4 tại các điểm cầu Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Trị; triển lãm ảnh “Tự hào một dải biên cương” bắt đầu từ ngày 27-4; biểu diễn nhạc kèn kết hợp biểu diễn các kỹ thuật trên ngựa vào 20 giờ ngày 30-4 trên đường Nguyễn Huệ, đường Lê Lợi./.
Chuyên gia đánh giá sáp nhập tỉnh Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu với TP.HCM là để xây dựng vùng có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại, trung tâm khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực và thế giới.
Hội thảo khoa học về sắp xếp bỏ cấp hành chính trung gian và sáp nhập một số đơn vị cấp tỉnh – Ảnh: HỮU HẠNH
Chiều 28-3, Học viện Cán bộ TP.HCM và cơ quan thường trực Tạp chí Cộng Sản tại miền Nam tổ chức hội thảo khoa học “Nghiên cứu định hướng tiếp tục sắp xếp bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện) và sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh theo kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư từ thực tiễn của TP.HCM”.
Bỏ huyện, bớt thủ tục hành chính rườm rà
Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng và PGS.TS Lưu Thị Tố Tâm có bài tham luận cho rằng chính quyền cấp huyện đã tồn tại gần 100 năm kể từ khi nước ta thành lập. Đến nay, khi khoa học công nghệ đã dần thay thế cho con người, cần bứt phá trong việc xây dựng bộ máy. Việc bỏ cấp hành chính trung gian là sáng tạo, xu hướng tích cực và cần thiết.
Hiện nay đa số các nước phát triển trên thế giới đều thực hiện theo mô hình chính quyền ba cấp (cấp trung ương, cấp tỉnh và cấp xã), trong đó Nhật Bản là một dẫn chứng.
Hiện Việt Nam có 63 tỉnh thành với 10.035 cấp xã, sau sắp xếp sẽ còn 2.000 cấp xã, giảm biên chế, giảm áp lực ngân sách. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (2019), các quốc gia có ít cấp hành chính hơn thường giải quyết thủ tục hành chính nhanh hơn 20-30%.
Ngân sách nhà nước mỗi năm chi cho hơn 700 đơn vị hành chính cấp huyện là con số không hề nhỏ. Theo tính toán của Viện Kinh tế Việt Nam (2022), việc bỏ cấp huyện sẽ cắt giảm ít nhất 15% ngân sách chi cho lương và vận hành bộ máy.
Cũng theo các chuyên gia, với sự phát triển của công nghệ thông tin, bỏ đi cấp huyện thì công tác điều hành sẽ thông suốt từ trung ương xuống luôn cơ sở, giảm bớt thủ tục hành chính rườm rà.
Dẫn chứng một dự án xây dựng trường học tại xã phải trải qua ba cấp thẩm định, kéo dài thêm 6-8 tháng, gây lãng phí ước tính 15-20% ngân sách địa phương. Các chuyên gia cho rằng sự chậm trễ này không chỉ làm giảm hiệu suất công việc, mà còn tạo ra những tiêu cực không đáng có.
Tuy nhiên khi bỏ cấp huyện thì khối lượng công việc của cấp tỉnh và cấp xã sẽ tăng mạnh. Do đó cần tăng thẩm quyền cho cấp xã, cấp tỉnh. Đồng thời phải bố trí nhân sự hợp lý, nâng cao trình độ cán bộ cấp xã…
Sáp nhập tỉnh thành phải dựa trên tính tương thích
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên – Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam – Ảnh: HỮU HẠNH
Nêu ý kiến tại hội thảo, tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên – Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam – ví von bỏ cấp huyện như tam cấp bỏ đi bậc giữa, khi đó bắt buộc bước chân phải dài hơn. Ông cho rằng đôi chân nối dài này phải chăng là ứng dụng công nghệ thông tin. Như vậy đòi hỏi đội ngũ phải đủ trình độ và ứng dụng được công nghệ trong thực thi nhiệm vụ.
Bên cạnh đó ông Nguyên cho rằng sáp nhập, sắp xếp các đơn vị hành chính phải dựa trên tính tương thích.
“Giống cây nào ghép với cây nào thì phát triển, khác với việc đưa nhiều cây về trồng một vườn. Các cơ quan chuyên môn khi sáp nhập đòi hỏi phải có tính tương thích, cần có nghiên cứu chặt chẽ”, ông Nguyên nói.
Cũng nêu ý kiến về việc sáp nhập các tỉnh thành, thạc sĩ Đỗ Quốc Bình cho rằng các chủ trương của Trung ương là khi sáp nhập đảm bảo các đơn vị mới có không gian mở để phát triển kinh tế – xã hội liên thông, tránh cát cứ, ngăn cản sự phát triển.
Ông cho rằng sáp nhập tỉnh Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu vào TP.HCM là để xây dựng vùng có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại, trung tâm khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, trung tâm tài chính quốc tế thuộc nhóm đầu khu vực và thế giới, kết cấu hạ tầng đồng bộ.
Mô hình thành phố trong thành phố là cần thiết?
Tại hội nghị, tiến sĩ Bùi Ngọc Hiền – Học viện Cán bộ TP.HCM – cho rằng để đảm bảo tính thực tiễn, các thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương nên tổ chức thành hai cấp chính quyền địa phương, gồm cấp thành phố và cấp cơ sở (phường, xã, đặc khu, thành phố trực thuộc thành phố).
Thực tiễn TP.HCM với thành phố Thủ Đức, ông Hiền cho rằng mô hình thành phố trực thuộc thành phố tại các đô thị lớn là cần thiết. Khi sáp nhập các tỉnh thì quy mô và vai trò của các thành phố trực thuộc thành phố sẽ lớn hơn, khai thác lợi thế, tiềm năng và điều hòa nhịp độ phát triển.
Một câu hỏi đặt ra là tại sao phải là thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương trong khi đã có các xã, phường sáp nhập lại có quy mô lớn hơn, tương đương cấp huyện hiện nay?
Ông Hiền cho rằng nếu được cho phép thành lập, cần xác định rõ vai trò, chức năng trong phát triển kinh tế – xã hội, quy định về diện tích, dân số của thành phố trong thành phố. Bên cạnh đó, khái niệm “hai cấp chính quyền địa phương” phải có độ mở và linh hoạt hơn.
Bộ máy của thành phố thuộc thành phố có HĐND, UBND với tổ chức bên trong tinh gọn và bên dưới có ủy ban hành chính tại các phân khu đô thị, thực hiện chức năng quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công.
Khi đó các thành phố trực thuộc Trung ương vẫn tổ chức thành chính quyền địa phương hai cấp nhưng linh hoạt, phù hợp với thực tiễn đô thị và đảm bảo thúc đẩy phát triển toàn diện, hiệu quả thành phố trực thuộc Trung ương.
Sau khi mô hình “Cà phê sáng – Trao đổi với nhân dân” của Đảng bộ TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương được tôn vinh là điển hình tiêu biểu toàn quốc trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, địa phương này tiếp tục đổi mới để lan tỏa.
Trước đó, tại Chương trình “Hồ Chí Minh – Hành trình khát vọng năm 2024″, do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức, mô hình “Cà phê sáng – Trao đổi với nhân dân” của Đảng bộ TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương được tôn vinh.
Bà Từ Thị Anh Đào, Bí thư Đảng ủy phường Phú Mỹ nhận biểu trưng và chứng nhận mô hình điển hình về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh (ảnh cắt từ video)
Đây là 1 trong 7 mô hình tiêu biểu toàn quốc trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được tôn vinh trong chương trình này.
Mô hình “Cà phê sáng – Trao đổi với nhân dân” được tổ chức lần đầu tiên vào ngày 31/12/2022 tại phường Phú Mỹ nhằm hưởng ứng cuộc vận động Xây dựng Nếp sống văn hóa – văn minh đô thị do Thành ủy Thủ Dầu Một phát động.
Nhận thấy mô hình mang lại nhiều hiệu quả, Thành ủy TP.Thủ Dầu Một đã sơ kết rút kinh nghiệm, rồi nhân rộng trên toàn địa bàn thành phố. Đến nay, tất cả các khu phố trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một đều luân phiên tổ chức mô hình “Cà phê sáng – Trao đổi với nhân dân” để lãnh đạo thành phố, lãnh đạo phường tham dự.
Lãnh đạo TP.Thủ Dầu Một đối thoại với nhân dân qua mô hình cà phê sáng
Tại các buổi gặp gỡ, nhiều ý kiến hay, thiết thực của người dân đã được vận dụng vào thực tế phát triển địa phương. Nhờ mô hình “Cà phê sáng”, nhiều vấn đề bức xúc như ô nhiễm môi trường, chó thả rông, tệ nạn xã hội,… được giải quyết nhanh chóng và hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Qua đó, niềm tin của người dân đối với chính quyền địa phương ngày càng được củng cố.
Riêng các ý kiến không thuộc thẩm quyền, địa phương tiếp thu và chuyển đến cơ quan có thẩm quyền cấp tỉnh xem xét giải quyết kịp thời, đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng chính đáng của nhân dân trên địa bàn.
Tại các buổi cà phê sáng, người dân còn cùng nhau trao đổi, tâm tình để thắt chặt thêm quan hệ tình làng nghĩa xóm.
Việc nhân rộng mô hình này là minh chứng cho sự quyết tâm của chính quyền địa phương trong việc lắng nghe tiếng nói của người dân, đồng hành cùng người dân trong công tác xây dựng và phát triển địa phương.
Từ mô hình cà phê sáng, nhiều kiến nghị của người dân đã được giải quyết nhanh
Theo lãnh đạo TP.Thủ Dầu Một, để mô hình đi vào thực chất, thành phố đã chỉ đạo các phường tổ chức các buổi cà phê sáng vào khung giờ phù hợp để khuyến khích người dân tham gia. Đồng thời, địa phương cũng kết hợp gặp gỡ các doanh nghiệp trên địa bàn để lắng nghe ý kiến đóng góp của họ. Địa phương cần kết hợp mời luật sư, cán bộ có chuyên môn tư vấn pháp luật, các quy định, nghị định tại các buổi cà phê sáng để giúp người dân nắm bắt thông tin kịp thời.
Trước đó, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) đã đăng tải nhiều bài viết, bài bàn luận và thông tin về mô hình “Cà phê sáng – Trao đổi với nhân dân” tại TP. Thủ Dầu Một. Các bài viết này đã thu hút đông đảo lượt nghe và chia sẻ.
TP.Bến Cát cũng đã tổ chức gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp qua mô hình cà phê sáng
Nhận thấy hiệu quả của mô hình, nhiều địa phương khác ở Bình Dương như TP. Bến Cát và TP. Tân Uyên cũng đã áp dụng để tăng cường sự kết nối với người dân, doanh nghiệp và chính quyền. Nhờ đó, nhiều vấn đề vướng mắc đã được giải quyết kịp thời. Kết quả là các buổi tiếp xúc cử tri giữa đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tỉnh với nhân dân đã giảm bớt các ý kiến, kiến nghị.
Chiều 20-3, ông Bùi Minh Trí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành làm việc với đoàn công tác Tập đoàn Tokyu (Nhật Bản) do ông Hirohisa Fujiwara, Thường trực HĐQT, Giám đốc kinh doanh quốc tế Tập đoàn Tokyu làm trưởng đoàn. Cùng đi với đoàn có ông Oh Dongkun, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Becamex Tokyu.
Ông Bùi Minh Trí (thứ hai bên phải) đánh giá cao báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với phát triển tuyến LRT trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một của Tập đoàn Tokyu Ông Hirohisa Fujiwara (giữa) mong muốn hai bên tiếp tục nghiên cứu để hoàn chỉnh báo cáo tiền khả thi đối với tuyến LRT tại Bình Dương
Tại buổi làm việc, hai bên đã thảo luận, trao đổi đóng góp các ý kiến báo cáo tiền khả thi để sớm hiện thực hóa kế hoạch phát triển tuyến đường sắt nhẹ (LRT) tại Bình Dương nhằm phục vụ cho phát triển các tuyến Metro số 1, số 2 của tỉnh trong tương lai.
Tập đoàn Tokyu cũng đã có những báo cáo tiền khả thi về hiệu quả từ dự án LRT như sẽ góp phần giảm tình trạng ùn tắc giao thông, đa dạng hóa loại hình giao thông công cộng, tăng khả năng tiếp cận của đường sắt đến trường học, khu thương mại, khu công nghiệp, khu vực phát sinh nhu cầu giao thông cao, đảm bảo an toàn giao thông cho người tham gia giao thông bằng phương tiện giao thông công cộng, nâng cao giá trị, tính cạnh tranh, thu hút cho các khu công nghiệp, mở rộng không gian phát triển các khu đô thị dọc tuyến…
Tập đoàn Tokyu đã có những báo cáo sơ bộ nghiên cứu phát triển tuyến LRT tại TP.Thủ Dầu MộtÔng Hirohisa Fujiwara tặng quà lưu niệm cho ông Bùi Minh TríÔng Bùi Minh Trí tặng quà lưu niệm cho ông Hirohisa FujiwaraHai bên chụp ảnh lưu niệm sau buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Bùi Minh Trí đánh giá cao về tính khả thi của dự án, cũng như giải pháp đầu tư tuyến LRT trên địa bàn tỉnh. Đây là một mô hình phát triển hệ thống giao thông thông minh, hiện đại, phù hợp với nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông thông minh mà tỉnh Bình Dương mong muốn.
Để dự án có thể mang lại hiệu quả, ông Bùi Minh Trí đề nghị sau buổi làm việc, hai bên cần tiếp tục phối hợp để xem xét nghiên cứu về tính khả thi đầu tư dự án, tiếp tục khảo sát, có nghiên cứu cụ thể về dự báo nhu cầu giao thông, khả năng bố trí quỹ đất đầu tư hạ tầng đường sắt theo đề xuất của Tập đoàn Tokyu, nhất là sự phù hợp về các giải pháp công nghệ…
Cách nay 50 năm, với tinh thần “tỉnh giải phóng tỉnh, huyện giải phóng huyện, xã giải phóng xã”, người dân đồng lòng, dũng cảm chiến đấu ngay trong lòng địch, giành lại từng tấc đất tự do, giải phóng Bình Dương, tiến tới giải phóng miền Nam.
Sau những năm tháng chiến tranh đầy đau thương và mất mát, mảnh đất Bình Dương kiên cường đã vươn mình “cất cánh”, trở thành một trong những địa phương phát triển mạnh mẽ nhất cả nước.
Cờ Tổ quốc tung bay đỏ rực
50 năm đã trôi qua, ký ức hào hùng về Bình Dương trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 vẫn in đậm trong tâm trí ông Nguyễn Minh Giao, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương.
Ông Giao bồi hồi kể, tháng 4/1975, ông là cán bộ Tỉnh đoàn, trực tiếp hoạt động ở thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương và là thành viên của Ban khởi nghĩa Thủ Dầu Một, phụ trách cánh quân nổi dậy trong lòng địch.
Mít tinh mừng giải phóng thị xã Thủ Dầu Một (ảnh tư liệu)
Sau khi giải phóng huyện Dầu Tiếng vào ngày 13/3/1975, đến ngày 18/4/1975, thực hiện lời kêu gọi kháng chiến với tinh thần “1 ngày bằng 20 năm” người dân trong toàn tỉnh đã đứng lên, cùng nhau giải phóng những địa bàn xung quanh.
Đến ngày 29/4/1975, nhiều địa bàn quan trọng trong tỉnh Bình Dương đã được giải phóng.
Lúc bấy giờ, nhiệm vụ chính của quân dân Bình Dương là tiến công giải phóng Thủ Dầu Một. Lực lượng du kích cùng các đơn vị bộ đội địa phương đã chia thành 7 cánh quân, tấn công các mục tiêu trọng yếu.
Khoảng 6 giờ ngày 30/4, nhân dân vùng ven đồng loạt nổi dậy giành chính quyền.
Ông Nguyễn Minh Giao đọc lại lịch sử đấu tranh của thị xã Thủ Dầu Một
Ông Giao kể, sau khi nghe ở Sài Gòn, Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, Tỉnh trưởng Bình Dương Nguyễn Văn Của xin “bàn giao chính quyền”, nhưng bị buộc phải đầu hàng. Trên đường tháo chạy, Nguyễn Văn Của bị chặn giữ tại ngã tư Gò Đậu vào lúc 9 giờ 40 phút ngày 30/4.
Mũi tiến công vào nội ô thị xã cắm cờ tại tòa hành chính ngụy quyền tỉnh lúc 10 giờ 30 phút. Cờ cách mạng tung bay trên các công sở địch.
Ông Giao nói thêm, suốt nhiều năm tháng gian khổ đấu tranh trong lòng địch với bao nhiêu đau thương, mất mát, khi thấy địa phương được giải phóng, tiến đến đất nước sạch bóng quân thù, người người thoát khỏi cảnh trói buộc của địch, ai cũng vui mừng khôn xiết.
“Đối với đồng bào của mình, nhất là những xã ngoại ô, thì chiến sự liên tục xảy ra, lính của Mỹ và Ngụy càn quét liên tục nên tinh thần rất lo sợ. Còn trong nội ô này, dưới sự kiểm soát của chính quyền Sài Gòn, những cán bộ chiến sĩ có liên hệ với cách mạng thì bị chúng o ép, khi gặp sẽ bị bắt tù đày, nên giải phóng được rất phấn khởi”, ông Giao nói.
Ông Nguyễn Văn Lực kể về cuộc chiến năm xưa
Nguyên là Thị ủy viên, trưởng cánh Nam giải phóng thị xã Thủ Dầu Một, ông Nguyễn Văn Lực (SN 1938, biệt danh Hai Lực) nhớ lại, thời điểm thị xã giải phóng trời mưa tầm tã, thế nhưng người dân vẫn đổ ra đường cầm cờ tổ quốc tung hô.
Hành động này cho thấy sự khát khao, chờ đợi hòa bình của nhân dân: “Nhà việc Phú Cường cắm cờ sớm, còn mấy chỗ khác thì 10-11 giờ mới cắm cờ. Mình cắm cờ mình chiếm luôn nên không còn ai. Địch thì hốt hoảng bỏ bốt, bỏ đồn về, người dân phấn khởi. Họ may cờ lúc nào không biết mà lấy ra treo đầy chợ”.
Bình Dương được giải phóng là một “bàn đạp” quan trọng, mở rộng tiến công trên hướng Bắc cửa ngõ Sài Gòn, tạo điều kiện cho các quân đoàn chủ lực thần tốc tiến công vào sào huyệt cuối cùng của chế độ Sài Gòn, hoàn thành công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Sáng mãi niềm tin
Trong căn nhà nhỏ ở phường Chánh Nghĩa, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, ông Nguyễn Thanh Tùng (SN 1942, biệt danh Hai Cường), người chiến sĩ cách mạng năm xưa, chậm rãi kể lại những thăng trầm của mảnh đất Bình Dương.
Ông Nguyễn Thanh Tùng xem lại hình ảnh đồng đội đã hy sinh được ông đưa về thờ cúng
Bước ra từ khói lửa chiến tranh, Đảng bộ và nhân dân Bình Dương đã kiên cường vượt qua muôn vàn khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất, phát huy thế mạnh tiểu thủ công nghiệp, nông – lâm nghiệp.
Rồi khi cả nước còn đang loay hoay với mô hình khu chế xuất, Bình Dương đã mạnh dạn tiên phong phát triển khu công nghiệp. Khi mô hình này được nhân rộng trên cả nước, Bình Dương lại tiếp tục đột phá, cho ra đời khu công nghiệp liên doanh, rồi khu công nghiệp tư nhân. Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore trở thành hình mẫu hợp tác kiểu mẫu, ghi dấu ấn sâu sắc.
Trong khi nhiều địa phương khác còn trông chờ vào nguồn vốn nhà nước để phát triển hạ tầng, Bình Dương đã chủ động đề xuất nâng cấp quốc lộ 13, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển công nghiệp và đô thị.
Sau chiến tranh, Bình Dương tiên phong xây dựng khu công nghiệp
Ngay từ đầu những năm 1990, Bình Dương đã thể hiện tầm nhìn chiến lược với khẩu hiệu “trải chiếu hoa mời gọi đầu tư, trải thảm hoa đón chào trí thức”.
Bình Dương cũng là địa phương đầu tiên thí điểm mô hình bí thư kiêm chủ tịch cấp cơ sở và thực hiện cơ chế “một cửa, một dấu” trong thủ tục đầu tư. Sau đó, địa phương tập trung phát triển công nghiệp, đô thị, vươn lên trở thành đầu tàu kinh tế, với thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước.
Bình Dương đã tận dụng tối đa vị trí địa lý thuận lợi, gần TP.HCM, để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp và dịch vụ.
Nhìn lại những năm tháng đã qua, ông Tùng xúc động nói: “Giờ thấy Bình Dương phát triển vượt bậc, trong lòng nhân dân ai cũng phấn khởi, tự hào. Chúng tôi luôn nhắc nhở con cháu phải ghi nhớ công ơn của thế hệ đi trước, sống sao cho xứng đáng, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày càng tươi đẹp hơn. Giờ chúng tôi cũng đã ngoài 80 tuổi, thấy quê hương đổi mới từng ngày, lòng không khỏi vui mừng”.
Giai đoạn này, Bình Dương đang ấp ủ khát vọng vươn mình, đặt mục tiêu đến năm 2050 sẽ trở thành một trung tâm đô thị, công nghiệp, dịch vụ hiện đại, mang tầm vóc khu vực và quốc tế.
Các đô thị phía Nam như Thuận An, Dĩ An, Thủ Dầu Một và Tân Uyên sẽ được tái thiết, khoác lên mình diện mạo mới, hướng đến phát triển các mô hình đô thị hiện đại theo định hướng TOD.
Bình Dương đầu tư hạ tầng giao thông kết nối vùng
Để biến khát vọng ấy thành hiện thực, Bình Dương đang dốc sức đầu tư vào hệ thống giao thông kết nối vùng, mở rộng những “con đường huyết mạch” như Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP.HCM-Thủ Dầu Một-Chơn Thành, nhằm kết nối thông suốt với cảng Cái Mép-Thị Vải, sân bay Long Thành.
Không chỉ tập trung phát triển mạnh mẽ ở các địa phương phía Nam, Bình Dương còn quyết tâm xóa bỏ tình trạng “vùng trũng” kinh tế ở các địa phương phía Bắc. Làm được điều này, tỉnh ưu tiên phát triển các khu công nghiệp thế hệ mới, kết hợp hài hòa với các dịch vụ sinh thái và phát triển năng lượng tái tạo.
Ông Nguyễn Công Danh, nguyên Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Dương, tin tưởng rằng những định hướng phát triển của Bình Dương cho thấy tầm nhìn chiến lược dài hạn và quyết tâm xây dựng một địa phương phát triển bền vững, trở thành một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của cả nước.
Đồng thời, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tri ân, ghi nhớ công lao của những thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu cho nền hòa bình, độc lập của dân tộc: “Đối với một số gia đình chính sách, những người có công với cách mạng vẫn còn khó khăn so với mặt bằng chung của tỉnh vì không có điều kiện làm ăn cải thiện gì thêm mà chỉ nhờ vào lương hưu, chính sách xã hội. Mong rằng thế hệ sau này thế hệ sau này cố gắng quan tâm, tiếp tục tri ân, chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình chính sách”.
Bình Dương đã vượt qua khó khăn để trở thành một tỉnh phát triển
Trước mong muốn của cán bộ lão thành, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã và đang đưa ra thêm nhiều chính sách thiết thực, thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến những gia đình chính sách, những người có công với cách mạng.
Sự tri ân không chỉ dừng lại ở những chính sách vật chất, mà còn là sự trân trọng những giá trị tinh thần, những bài học lịch sử quý báu mà họ đã để lại. Đó là nguồn động lực to lớn, tiếp thêm sức mạnh cho thế hệ trẻ Bình Dương tiếp tục phấn đấu, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh và nghĩa tình.
Sáng 5-3, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì họp Ban Chỉ đạo triển khai xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh. Tham dự có lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh và các huyện, thành phố.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh phát biểu tại cuộc họp
Tại cuộc họp, lãnh đạo các địa phương, sở, ban, ngành tỉnh đã báo cáo thêm về số lượng khảo sát hộ cần hỗ trợ xoá nhà tạm, nhà dột nát. Nhiều địa phương đã sớm triển khai vận động nguồn lực xã hội hoá để thực hiện chương trình này.
Đại diện các sở, ban, ngành tỉnh và địa phương phát biểu tại cuộc họp
Theo số liệu thống kê bước đầu, toàn tỉnh có 305 hộ đủ điều kiện đề nghị hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa theo chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát (trong đó có 110 căn xây mới, 195 căn sửa chữa); số hộ đề nghị hỗ trợ xây mới nhưng không đủ điều kiện về đất ở có 405 căn (trong đó, đất sổ chung 117 căn, không có đất không có nhà 288 căn).
Phát biểu tại cuộc họp, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh hoan nghênh các địa phương đã chủ động, sớm triển khai chương trình. Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý các sở, ngành liên quan nhanh chóng chuyển kinh phí hỗ trợ cho các tỉnh theo phân bổ của Trung ương giao; đối với các đối tượng trên địa bàn tỉnh thuộc diện hỗ trợ trong chương trình này, ngoài nguồn ngân sách, các đơn vị, địa phương cần chủ động, linh hoạt vận động từ nguồn xã hội hóa.
Quang cảnh cuộc họp
Trên cơ sở số liệu báo cáo của các đại biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đơn vị, địa phương nhanh chóng rà soát, thống nhất về số liệu nhà tạm, nhà dột nát để có kế hoạch thực hiện ngay.
Đối với 305 căn đủ điều kiện xây mới, sửa nhà và 117 căn chưa đủ điều kiện về đất (đất sổ chung), phấn đấu đến ngày 30-4 thực hiện đạt tối thiểu 50%; đến ngày 30-6 hoàn thành 100%.
Riêng đối tượng là gia đình chính sách, người có công, cần tập trung thực hiện sớm, phấn đấu hoàn thành trước ngày 30-4-2025.
Đối với những đối tượng không đủ điều kiện (không có nhà, không có đất), các địa phương chủ động vận động từ nguồn xã hội hoá để hỗ trợ. Trong quá trình thực hiện, các địa phương gặp khó khăn kịp thời báo cáo tỉnh để có hướng hỗ trợ…
Công an tỉnh Bình Dương đã tiếp nhận nhiệm vụ quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp và cấp phiếu lý lịch tư pháp từ Sở Tư pháp, đảm bảo không gián đoạn công việc của người dân.
Lực lượng Cảnh sát giao thông chính thức triển khai nhiệm vụ cấp, đổi giấy phép lái xe tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Bình Dương. Ảnh: TTXVN phát
Ngày 3/3, tại tỉnh Bình Dương, nhiều nhiệm vụ quan trọng liên quan đến chuyển giao quản lý nhà nước trong các lĩnh vực cai nghiện ma túy, giao thông và lý lịch tư pháp đã chính thức được triển khai, bước đầu ghi nhận thuận lợi, đảm bảo hoạt động thông suốt, không gián đoạn.Tại xã An Thái (huyện Phú Giáo), Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Bình Dương đã công bố và trao quyết định thành lập Cơ sở cai nghiện ma túy số 2, tiếp nhận từ Trung tâm cai nghiện Thanh niên xung phong (thuộc UBND Thành phố Hồ Chí Minh). Hiện ở cơ sở có 1.958 học viên và được tổ chức lại dưới sự quản lý của Công an tỉnh. Để đảm bảo an ninh trật tự trong quá trình bàn giao, Công an tỉnh đã bố trí lực lượng thường trực và điều động cảnh sát cơ động hành quân dã ngoại tại khu vực này. Ngay trong ngày đầu vận hành, mọi hoạt động ở đây diễn ra suôn sẻ, đúng quy trình và quy định.Tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Bình Dương, Cảnh sát giao thông chính thức triển khai nhiệm vụ cấp, đổi giấy phép lái xe. Ghi nhận trong sáng 3/3, quy trình tiếp nhận và xử lý hồ sơ diễn ra nhanh chóng với 38 trường hợp đổi giấy phép lái xe được giải quyết theo đúng quy định. Người dân hoàn tất thủ tục sẽ nhận giấy hẹn và sau 3 ngày làm việc, dữ liệu sẽ được cập nhật trên hệ thống Cục Cảnh sát giao thông và ứng dụng VNeID, giúp tra cứu thuận tiện. Người dân có thể thực hiện đổi giấy phép lái xe bằng 2 hình thức: Trực tiếp tại Phòng Cảnh sát giao thông hoặc trực tuyến trên Cổng dịch vụ công mức độ 4 tại địa chỉ https://dvc4.gplx.gov.vn.
Công an tỉnh Bình Dương tiếp nhận nhiệm vụ quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp và cấp phiếu lý lịch tư pháp từ Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương. Ảnh: TTXVN phát
Công an tỉnh Bình Dương tiếp nhận nhiệm vụ quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp và cấp phiếu lý lịch tư pháp từ Sở Tư pháp. Người dân đến làm thủ tục tại Trung tâm phục vụ hành chính công khá đông. Nhờ áp dụng các giải pháp hiện đại và cải tiến quy trình, việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ diễn ra nhanh chóng, đảm bảo thuận tiện cho người dân. Hồ sơ có thể được nộp trực tiếp hoặc qua ứng dụng VNeID, Cổng dịch vụ công hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích.Việc triển khai đồng loạt nhiều nhiệm vụ quan trọng trong cùng một ngày nhưng vẫn đảm bảo hoạt động thông suốt, phục vụ tốt nhu cầu của người dân và doanh nghiệp thể hiện nỗ lực cải cách hành chính của Bình Dương.Trước đó, từ ngày 1/3/2025, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh chính thức triển khai cấp, đổi giấy phép lái xe cho người dân tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh. Ngoài ra, Công an tỉnh Bình Dương đã tiếp nhận nhiệm vụ quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp và cấp phiếu lý lịch tư pháp từ Sở Tư pháp, đảm bảo không gián đoạn công việc của người dân.
Chiều 28-2, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh đã đồng chủ trì buổi làm việc giữa hai địa phương về kết quả thực hiện hợp tác song phương.
Báo cáo tại buổi làm việc, UBND TP.Hồ Chí Minh cho biết, kết quả thực hiện hợp tác song phương giữa TP.Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương thực hiện có tổng cộng 12 nội dung. Trong giai đoạn 2023 – 2024, hai địa phương đã phối hợp hoàn thành một số nội dung trọng tâm như: triển khai các dự án thành phần của đường Vành đai 3, Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh; nghiên cứu đầu tư kéo dài tuyến đường sắt đô thị số 1 đến Bình Dương; điều phối nguồn vật liệu xây dựng cung cấp cho các dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh; dự án nâng cao tĩnh không cầu Bình Triệu 1, cầu Bình Phước 1 trên sông Sài Gòn….
Toàn cảnh hội nghịÔng Võ Văn Minh cho biết tiềm năng mở rộng không gian phát triển đô thị cho Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh dọc hành lang sông Sài Gòn là rất lớnÔng Bùi Xuân Cường thống nhất các đề nghị của tỉnh Bình Dương về nghiên cứu phát triển tuyến Metro số 2, Metro số 3 kết nối TP.Hồ Chí Minh
Tại buổi làm việc, tỉnh Bình Dương cũng đã nêu một số đề xuất với TP.Hồ Chí Minh về giao thông kết nối giữa hai địa phương, trong đó có các dự án quan trọng như: Dự án nâng cấp mở rộng đường An Bình và kết nối cầu vượt Sóng Thần; dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 từ cầu Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước TP.Hồ Chí Minh; Cao tốc TP.Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, đoạn đường dẫn cao tốc từ nút giao Gò Dưa đến nút giao Vành đai 3 dài khoảng 8,8km còn 2km chưa được đầu tư, kiến nghị UBND TP.Hồ Chí Minh sớm triển khai đầu tư đoạn 1,65km qua địa bàn thành phố; phát triển tuyến Metro số 2, Metro số 3 kết nối giữa các địa phương trong vùng.
Đại diện lãnh đạo Sở Giao thông- Vận tải TP.Hồ Chí Minh báo cáo tóm tắt công tác phối hợp giữa hai địa phương xung quanh các dự án giao thông kết nốiSở Quy hoạch kiến trúc TP.Hồ Chí Minh cho rằng giữa hai địa phương cần tiếp tục nghiên cứu, khai thác tiềm năng phát triển về đô thị, các sản phẩm du lịch trên hàng lang sông Sài Gòn
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Võ Văn Minh đã hoan nghênh những nỗ lực giữa sở, ban ngành của hai địa phương trong giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình hợp tác; đồng thời cho biết tỉnh đang tập trung đầu tư các trục đường giao thông trọng điểm, huyết mạch nhằm tăng cường kết nối vùng, tạo sức lan tỏa, phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, sớm giải quyết tình trạng ùn tắc trên các tuyến giao thông huyết mạch, mở ra nhiều cơ hội hợp tác, thu hút đầu tư trong khu vực.
Đại diện lãnh đạo Sở Giao thông- Vận tải tỉnh Bình Dương phát biểu liên quan các dự án kết nối giữa hai địa phương
Tỉnh sẽ tiếp tục rà soát các dự án cửa ngõ kết nối giao thông đường bộ giữa Bình Dương với TP.Hồ Chí Minh; tập trung rà soát, phối hợp thực hiện các dự án tuyến đường kết nối giữa hai địa phương, tiếp tục phối hợp triển khai các giải pháp đảm bảo nguồn cát đắp nền đường cho các dự án trọng điểm của vùng Đông Nam Bộ và quốc gia. Ông Võ Văn Minh cho biết, tiềm năng phát triển về đô thị, du lịch sinh thái giữa hai địa phương là rất lớn, cần phối hợp nhịp nhàng hơn hơn trong quy hoạch…
Hai địa phương cũng đã thống nhất thành lập tổ công tác chung nhằm để nghiên cứu, phát triển tuyến đường sắt đô thị kết nối theo đề xuất của tỉnh Bình Dương.
Sáng 27-2, Sở Y tế tỉnh tổ chức Hội nghị kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27.2.1955 – 27.2.2025).
Tham dự có ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Nguyễn Văn Lộc, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng các Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh.
Lãnh đạo tỉnh tặng hoa chúc mừng ngành y tế tỉnh
Tại hội nghị, TS.BS Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh, cho biết: trong những năm qua, ngành y tế Bình Dương đã không ngừng lớn mạnh, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Với sự quan tâm của tỉnh, đến nay, y tế tuyến cơ sở đang ngày càng phát triển mọi mặt, các bệnh viện tuyến tỉnh đã làm chủ được nhiều công nghệ, kỹ thuật cao của tuyến Trung ương và thế giới.
Nhiều bác sĩ của ngành y tế tỉnh đã khẳng định tên tuổi của mình ở trong nước và trên bản đồ thế giới thông qua các giải như: Giải đặc biệt bàn tay vàng quốc gia, giải thưởng điều trị đột quỵ của Hội Đột quỵ thế giới…
Phát biểu chúc mừng tại hội nghị, chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh đã ghi nhận, biểu dương những thành tích, đóng góp bền bỉ của các thế hệ cán bộ, nhân viên ngành y tế tỉnh nhà. Đặc biệt, trong năm 2024, Bệnh viện Đa khoa tỉnh dưới sự kế thừa của các thế hệ đi trước và sự lèo lái của PGS.TS, Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu đã đạt được những thành tựu y khoa nổi bật, được xem là điểm sáng y tế trong khu vực.
Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Năm 2025 là năm bản lề, đặc biệt quan trọng để Bình Dương cùng cả nước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, ngành y tế cần thực hiện tốt 6 nhiệm vụ trọng tâm. Tuyệt đối không để tiếp diễn tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế làm ảnh hưởng đến công tác khám và điều trị bệnh. Ngành cần chú trọng nâng cao y đức đội ngũ y tế, từng thầy thuốc, bác sĩ, nhân viên y tế phải thực sự là những “từ mẫu” của nhân dân. Toàn ngành cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, thúc đẩy chuyển đổi số; tăng cường quản lý chặt chẽ hoạt động y tế tư nhân, gắn với khuyến khích, thu hút, mời gọi nhiều dự án đầu tư xây dựng bệnh viện đa khoa, chuyên khoa chất lượng cao, bệnh viện tuyến cuối trên địa bàn; tập trung nâng cao chất lượng hệ thống y tế cơ sở”.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị ngành sớm hoàn thiện mua sắm trang thiết bị, chuẩn bị nguồn nhân lực, sắp xếp, bố trí các cơ sở y tế theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được phân công.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi trao Quyết định phong tặng Thầy thuốc ưu tú cho Cử nhân điều dưỡng Đoàn Thị NởThừa ủy quyền của Chủ tịch nước, ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy trao Huân chương Lao động hạng Ba cho 3 cá nhân tiêu biểu
Tại hội nghị, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, lãnh đạo tỉnh trao Quyết định phong tặng Thầy thuốc ưu tú cho 1 cá nhân và Huân chương Lao động hạng Ba cho 3 cá nhân tiêu biểu; Tặng cờ thi đua của Chính phủ cho Trung tâm Kiểm nghiệm thuộc Sở Y tế tỉnh đã hoàn thành xuất sắc phong trào thi đua năm 2023.
Lãnh đạo tỉnh tặng cờ thi đua của Chính phủ cho Trung tâm Kiểm nghiệm thuộc Sở Y tế tỉnh đã hoàn thành xuất sắc phong trào thi đua năm 2023
Dịp này, cán bộ công chức, viên chức, người lao động ngành y tế chia sẻ ngày công, ủng hộ Quỹ vì người nghèo tỉnh 100 triệu đồng.
Lãnh đạo tỉnh trao bảng ủng hộ Quỹ vì người nghèo tỉnh 100 triệu đồng