27 July 2025
Trang chủ Blog Trang 7

Bình Dương chăm lo cho người dân, công nhân khó khăn dịp Tết

0

Dịp Tết đến, tỉnh Bình Dương bố trí ngân sách hàng trăm tỉ đồng để chăm lo người có công, đối tượng chính sách và công nhân lao động gặp khó khăn trên địa bàn.

Bình Dương chăm lo cho người dân, công nhân khó khăn dịp Tết
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cùng Đoàn công tác thăm hỏi và tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Vấn. Ảnh: Quốc Chiến

Chăm lo Tết cho người dân khó khăn

Theo Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bình Dương, công tác chăm lo tết cho hộ nghèo, gia đình chính sách và các đối tượng xã hội thuộc diện khó khăn luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức ở tỉnh Bình Dương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện.

Năm nay, với mong muốn góp phần để mọi người, mọi nhà đón một cái tết cổ truyền vui tươi, đầm ấm và đầy đủ hơn, tỉnh Bình Dương đang lên kế hoạch và tích cực vận động các nguồn lực để thực hiện các hoạt động chăm lo cho các đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội trên địa bàn.

UBND tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh đang xây dựng kế hoạch để tổ chức các đoàn của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, MTTQ Việt Nam tỉnh đi thăm các đối tượng chính sách trong dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Dự kiến đoàn do ông Nguyễn Văn Lợi – Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương sẽ đi thăm tặng quà gia đình chính sách ở phường Tân An, trong đó có 30 phần quà cho hộ nghèo, 20 phần quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

​Bí thư Tỉnh ủ Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cùng Đoàn công tác thăm hỏi và tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Đặng Thị Út. Ảnh: Quốc Chiến
​Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cùng Đoàn công tác thăm hỏi và tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Đặng Thị Út. Ảnh: Quốc Chiến

Ông Võ Văn Minh – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương sẽ đi thăm và tặng quà cho các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, trẻ em khó khăn ở phường Dĩ An, thành phố Dĩ An.

Ông Nguyễn Văn Lộc – Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương sẽ đi thăm gia đình chính sách ở phường An Điền, thành phố Bến Cát; thăm và tặng quà cho 30 hộ nghèo, 20 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại đây.

Đoàn công tác của ông Nguyễn Lộc Hà – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương sẽ đi thăm bệnh nhân nghèo đang điều trị tại bệnh viện.

Các sở ngành cũng sẽ thăm tặng quà cho trẻ em mồ côi, trẻ khuyết tật, người cao tuổi… ở các cơ sở bảo trợ xã hội.

Hàng chục tỉ đồng chăm sóc Mẹ Việt Nam anh hùng và người có công

Thực hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và “đền ơn đáp nghĩa”, hàng năm dịp Tết, tại Bình Dương mỗi xã, phường đều có kế hoạch chăm lo tết cho người có công trên địa bàn.

Ở cấp tỉnh, luôn bố trí ngân sách để chăm sóc Mẹ Việt Nam anh hùng và người có công. Lãnh đạo tỉnh sẽ đi thăm, tặng quà, chúc sức khỏe Mẹ Việt Nam anh hùng và người có công.

Theo Sở LĐTBXH, toàn tỉnh hiện có trên 64.000 người được công nhận và giải quyết chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, gồm 2.219 Mẹ Việt Nam anh hùng (22 mẹ còn sống); 16.858 liệt sĩ; 6.236 thương, bệnh binh các hạng; trên 38.800 người có công giúp đỡ cách mạng, hoạt động kháng chiến, nhiễm chất độc…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Lộc Hà thăm và tặng quà bà Nguyễn Thị Tám (sinh năm 1939, vợ liệt sĩ) dịp tháng 7.2024. Ảnh: Dương Bình
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Lộc Hà thăm và tặng quà bà Nguyễn Thị Tám (sinh năm 1939, vợ liệt sĩ) dịp tháng 7.2024. Ảnh: Dương Bình

Chỉ tính riêng hoạt động chăm lo Tết Nguyên đán 2024, các cấp đã chi hỗ trợ, thăm tặng quà tết cho 48.623 lượt đối tượng người có công, với tổng kinh phí hơn 52,4 tỉ đồng.

Dịp Tết 2024, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cùng các đồng chí lãnh đạo các sở, ngành, UBND các địa phương cũng đến tận nhà thăm, tặng quà, chúc tết 45 người có công tiêu biểu. Ủy quyền các huyện, thành phố thăm tặng 315 đối tượng, với tổng số tiền hơn 1,1 tỉ đồng.

Sở LĐTBXH Bình Dương cho biết, việc chăm lo Tết cũng như các chế độ chính sách, nâng cao mức sống cho người có công trên địa bàn luôn được các cấp lãnh đạo tỉnh quan tâm.

Trên cơ sở rà soát lại số đối tượng người có công từ các địa phương trong tỉnh, Sở đã có kế hoạch chăm lo Tết chu đáo cho người có công trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 và đang chờ các cấp lãnh đạo tỉnh thông qua.

Ông Mai Hùng Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương - thăm tặng quà gia đình chính sách tại thành phố Tân Uyên dịp tháng 7.2024. Ảnh: Dương Bình
Ông Mai Hùng Dũng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương – thăm tặng quà gia đình chính sách tại thành phố Tân Uyên dịp tháng 7.2024. Ảnh: Dương Bình

Hỗ trợ công nhân khó khăn để ổn định lao động sau Tết

Bình Dương là tỉnh phát triển công nghiệp với khoảng 1,3 triệu lao động. Dịp Tết Ất Tỵ 2025, dự kiến có khoảng 500.000 người ở lại Bình Dương ăn Tết.

Để chăm lo cho những lao động khó khăn, LĐLĐ tỉnh đã đề nghị các cấp công đoàn, nhất là cấp cơ sở chủ động thương lượng, đề xuất người sử dụng lao động thực hiện đầy đủ chế độ tiền lương theo hợp đồng cho người lao động; tổ chức các hoạt động tri ân, cảm ơn người lao động trong năm nỗ lực cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất; thưởng Tết, tặng quà, hỗ trợ tiền tàu xe, tổ chức liên hoan tất niên, bốc thăm trúng thưởng, lì xì cuối năm cho người lao động…

“Về phía tổ chức công đoàn, theo kế hoạch, dự kiến tổng kinh phí thực hiện chăm lo cho đoàn viên, người lao động trong dịp Tết năm nay khoảng 272,4 tỉ đồng…” – bà Nguyễn Kim Loan – Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương cho biết.

Ông Mai Hùng Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương - thăm tặng quà gia đình chính sách tại thành phố Tân Uyên. Ảnh: Dương Bình
Bà Nguyễn Kim Loan – Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương tặng quà cho công nhân khó khăn. Ảnh: Đình Trọng

Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh Bình Dương sẽ tập trung tổ chức các hoạt động Tết Sum vầy, Chợ Tết Công đoàn, chương trình Tết yêu thương cho các trẻ em mồ côi do COVID-19, con em công nhân lao động khó khăn.

Công đoàn tỉnh hỗ trợ 1.000 vé tàu cho người lao động về đón Tết ở các tỉnh miền Trung, miền Bắc. Tổng LĐLĐVN hỗ trợ người lao động tỉnh Bình Dương 450 vé tàu và 80 vé máy bay về 2 sân bay Vinh (Nghệ An) và Nội Bài (Hà Nội).

Bà Nguyễn Kim Loan – Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương – cho biết, trên cơ sở số liệu khảo sát, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã trình lãnh đạo tỉnh Bình Dương tiếp tục quan tâm bố trí nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ cho người lao động khó khăn ở lại Bình Dương dịp Tết năm nay. Số tiền hỗ trợ khoảng 50 tỉ đồng, tương ứng mỗi suất quà tiền mặt là 1 triệu đồng.

DƯƠNG BÌNH

Chuyển đổi mô hình tăng trưởng, xây dựng các khu công nghiệp xanh

0

Đông Nam Bộ đang chứng kiến một làn sóng chuyển đổi mạnh mẽ trong mô hình tăng trưởng, đặc biệt là sự phát triển của các khu công nghiệp công nghệ cao và bền vững.

Khu vực Đông Nam Bộ, trái tim kinh tế của Việt Nam, đang thực hiện một cuộc chuyển mình mạnh mẽ, không chỉ trong công nghiệp hóa mà còn trong việc áp dụng các mô hình tăng trưởng sáng tạo và bền vững.

Với chiến lược tập trung vào công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và chuyển đổi số, khu vực này không chỉ nâng cao năng lực sản xuất mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện, khẳng định vai trò là động lực tăng trưởng quốc gia trong kỷ nguyên mới.

Làn sóng chuyển đổi mô hình

Đông Nam Bộ đang chứng kiến một làn sóng chuyển đổi mạnh mẽ trong mô hình tăng trưởng, đặc biệt là sự phát triển của các khu công nghiệp công nghệ cao và bền vững.

Bình Dương, Đồng Nai và Tây Ninh là ba tỉnh điển hình với những chiến lược đột phá nhằm kết hợp tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường, hướng tới sự phát triển bền vững trong tương lai.

Tại Bình Dương, Nhà máy LEGO, với vốn đầu tư 1,3 tỷ USD, là minh chứng rõ nét cho sự kết hợp giữa công nghệ cao và sản xuất bền vững.

Ông Phạm Trọng Nhân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương, khẳng định LEGO không chỉ là một dự án đầu tư lớn mà còn giúp tỉnh tiếp cận các tiêu chuẩn công nghệ cao toàn cầu. Nhà máy này không chỉ tạo ra những sản phẩm chất lượng cao mà còn áp dụng các công nghệ tiên tiến để giảm thiểu tác động môi trường.

ttxvn_lego.jpg
Dây chuyền bền trong Nhà máy LEGO 1,3 tỷ USD. (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)

LEGO cũng là một phần trong chiến lược thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các mô hình công nghiệp thông minh, góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Bình Dương từ công nghiệp truyền thống sang công nghiệp công nghệ cao.

Một mô hình điển hình khác tại Bình Dương là Nhà máy Jakob Sài Gòn tại thành phố Tân Uyên. Nhà máy không chỉ chú trọng đến hiệu quả sản xuất mà còn đặc biệt quan tâm đến bảo vệ môi trường. Với gần 40% diện tích nhà máy được phủ xanh và các hệ thống năng lượng mặt trời được lắp đặt, Jakob Sài Gòn góp phần giảm phát thải khí nhà kính, tạo ra một môi trường làm việc lành mạnh cho công nhân và bảo vệ môi trường tự nhiên.

Ông Trương Văn Phong, Phó Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, cho rằng Jakob Sài Gòn là một mô hình điển hình của công nghiệp xanh, nơi mà sự kết hợp giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường là yếu tố cốt lõi.

Không chỉ Bình Dương, Đồng Nai cũng đang nỗ lực phát triển công nghiệp xanh. Tỉnh này có 33 khu công nghiệp; trong đó 31 khu đang hoạt động. Đồng Nai đang khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ mới và chuyển đổi số, đồng thời xây dựng các khu công nghiệp xanh, thông minh.

Một trong những điển hình là khu công nghiệp Amata, nơi đã triển khai mô hình sinh thái với mục tiêu tiết kiệm chi phí và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Những khu công nghiệp này không chỉ giúp tiết kiệm năng lượng mà còn giúp tạo ra chuỗi giá trị sản xuất bền vững, từ đó thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Tây Ninh cũng là một tỉnh đặc biệt chú trọng đến nông nghiệp công nghệ cao. Tỉnh này đặt mục tiêu nâng cao tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao lên 50% vào năm 2030. Các dự án nông nghiệp công nghệ cao, như khu chăn nuôi DHN Tây Ninh, đang phát triển mạnh mẽ, giúp tăng trưởng kinh tế bền vững và bảo vệ môi trường.

Ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc Tập đoàn De Heus, nhận định rằng Tây Ninh có lợi thế lớn nhờ vào cơ sở hạ tầng giao thông phát triển và vị trí chiến lược, đặc biệt là kết nối thuận lợi với Campuchia. Những yếu tố này giúp tỉnh thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, tạo ra nguồn nguyên liệu sạch và bền vững cho ngành chế biến nông sản.

Các tỉnh trong vùng như Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh… đang thực hiện các chiến lược phát triển công nghiệp và nông nghiệp bền vững nhằm không chỉ nâng cao giá trị sản xuất mà còn đảm bảo sự phát triển ổn định trong dài hạn. Những chiến lược này tập trung vào việc kết hợp phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động tiêu cực của công nghiệp đến thiên nhiên, và xây dựng các khu công nghiệp thông minh, xanh và bền vững.

Cực tăng trưởng đổi mới sáng tạo

Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đang trở thành trụ cột vững chắc trong chiến lược phát triển của khu vực Đông Nam Bộ.

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công Thương Bình Dương, chia sẻ, Bình Dương đang tiến tới hình thành thành phố thông minh, nơi công nghệ và đổi mới sáng tạo đang được ưu tiên nhằm hiện đại hóa phát triển bền vững. Với mục tiêu phát triển điện mặt trời đến năm 2030, tỉnh dự kiến đạt 1.497MW điện mặt trời, và con số này sẽ tăng lên 5.359MW vào năm 2050.

Bình Dương đã triển khai các cơ chế ưu đãi nhằm thúc đẩy phát triển điện mặt trời, đặc biệt là điện mặt trời mái nhà và tại các khu công nghiệp. Đây là bước quan trọng trong chiến lược chuyển đổi xanh, tối ưu hóa tài nguyên, tránh lãng phí, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống. Tỉnh cũng đang triển khai nền tảng quản trị thông minh tại 6 khu công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất tự động hóa, phát triển công nghiệp thế hệ mới bền vững.

Trong khi đó, bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, nhấn mạnh công nghệ số là động lực then chốt để Thành phố Hồ Chí Minh bứt phá trong giai đoạn tới. Thành phố đặt mục tiêu đạt 25% GDP từ kinh tế số vào năm 2025 và 40% vào năm 2030. Tầm nhìn này không chỉ nhằm tăng trưởng kinh tế mà còn hướng tới một đô thị xanh, thông minh, đa trung tâm, kết nối chặt chẽ với các vùng lân cận.

ttxvn_Cach mang cong nghiep (5).jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức khánh thành Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (C4IR). (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Mới đây, Trung tâm cách mạng công nghiệp 4.0 (C4IR) Thành phố Hồ Chí Minh, chính thức vận hành, đánh dấu bước tiến quan trọng trong chiến lược chuyển đổi số của Việt Nam. Đây là trung tâm đầu tiên tại Việt Nam và thứ hai ở Đông Nam Á thuộc mạng lưới Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), tập trung vào nghiên cứu và triển khai các giải pháp công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), IoT, và công nghệ sinh học.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, khẳng định Trung tâm C4IR không chỉ mang lại cơ hội phát triển kinh tế cho Thành phố Hồ Chí Minh mà còn thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trên cả nước. Với khoảng 300.000 doanh nghiệp đang hoạt động, thành phố sẽ tạo điều kiện thuận lợi về hạ tầng công nghệ, chính sách thông thoáng và hỗ trợ linh hoạt để các doanh nghiệp tiếp cận các giải pháp công nghệ 4.0.

C4IR đóng vai trò trọng tâm trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Các dự án như Trung tâm đổi mới sáng tạo Galaxy Innovation Hub và Quỹ Hỗ trợ Phát triển Công nghệ cao đã đặt nền móng cho sự hội nhập và phát triển bền vững của thành phố.

Với vai trò là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh đang dẫn đầu trong việc hiện thực hóa mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hướng đến trở thành đô thị thông minh trong kỷ nguyên mới.

ttxvn_dong nam bo.jpg
Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ lần thứ năm. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đề ra mục tiêu phát triển vùng Đông Nam Bộ theo hướng bền vững và hiện đại, với trọng tâm là kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, khu vực này sẽ tập trung vào đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, bảo đảm sự phù hợp với chiến lược phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Với mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, các vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ và logistics sẽ được xây dựng gắn với các hành lang giao thông, việc huy động tối đa nguồn lực nội tại kết hợp với ngoại lực sẽ giúp Đông Nam Bộ tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng./.

Báo chí cần phát huy vai trò định hướng, lan tỏa thông tin chính thống trên MXH

Người làm báo cần phải nâng cao đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội trong việc khai thác và xử lý thông tin trên mạng xã hội (MXH) để định hướng, lan tỏa những thông tin chính thống đến đông đảo độc giả.

Chú thích ảnh
Ông Phan Văn Đông, Phó Giám đốc, Thư ký Chi hội Nhà báo Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam khu vực phía Nam phát biểu đề dẫn tại buổi tọa đàm chiều ngày10/12. 

Chiều 10/12, tại Tây Ninh, Chi hội Nhà báo Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam cùng Hội Nhà báo tỉnh Tây Ninh tổ chức tọa đàm về sự tương tác giữa báo chí và mạng xã hội, cùng những vấn đề quan tâm. Mục tiêu của buổi tọa đàm là tìm ra các giải pháp giúp báo chí phát triển mạnh mẽ trong thời đại số.

Phát biểu đề dẫn, ông Phan Văn Đông, Phó Giám đốc, Thư ký Chi hội Nhà báo Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam khu vực phía Nam cho biết, vấn đề báo chí và MXH không phải là vấn đề mới, nhưng luôn có tính thời sự. Hiện nay, hai loại hình truyền thông này đang song hành trong việc đưa thông tin. Tuy nhiên, báo chí cần phải biết tận dụng MXH để phát triển và lan tỏa những dòng thông tin chính thống đến độc giả, bởi MXH hiện đang chiếm lĩnh và tác động sâu sắc vào đời sống xã hội.

“Thống kê cho thấy, tại Việt Nam có hơn 71 triệu người sử dụng Internet, trong đó ba nền tảng MXH phổ biến nhất là Facebook, Zalo và Tiktok. Với đặc điểm dễ tiếp cận, dễ chia sẻ, thông tin nhanh chóng và đa dạng, MXH hiện đang là kênh thông tin được nhiều người lựa chọn. Đặc biệt, khi trí tuệ nhân tạo phát triển, MXH có thể nắm bắt nhu cầu tìm kiếm thông tin của người dùng thông qua hành động của họ trên các nền tảng và đề xuất các nội dung phù hợp. Tuy nhiên, thông tin từ MXH thường không đầy đủ và có cách thức đơn giản, vì ai cũng có thể chia sẻ tin tức. Chính vì vậy, báo chí vẫn là nguồn tìm kiếm đáng tin cậy của người dùng khi cần thông tin có chiều sâu và chính xác. Người làm báo cần phát huy thế mạnh này để lan tỏa thông tin chính thống, sự thật trên nền tảng số và MXH”, ông Phan Văn Đông nhấn mạnh.

Nhà báo Vũ Xuân Trường, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Tây Ninh, Giám đốc Đài Phát thanh Truyền hình Tây Ninh chia sẻ, MXH và báo chí hiện nay đang phát triển song song, tạo ra cả cơ hội và thách thức cho ngành báo chí. Sự xuất hiện của MXH đã giúp báo chí tiếp cận độc giả dễ dàng hơn, đồng thời thúc đẩy sự đổi mới trong cách thức làm báo.

Trước đây, thông tin chủ yếu được cung cấp một chiều từ nhà báo đến độc giả, nhưng nay nhờ vào tính tương tác của MXH, nhà báo và các tòa soạn có thể theo dõi trực tiếp các ý kiến, phản hồi, cũng như quan điểm của độc giả qua phần bình luận. Điều này không chỉ giúp nhà báo nắm bắt được nhu cầu và mối quan tâm của công chúng mà còn tạo ra cơ hội để điều chỉnh, hoàn thiện các bài viết sao cho phù hợp hơn với yêu cầu của độc giả. Chính sự tương tác này đã góp phần xây dựng mối quan hệ bình đẳng và gắn kết hơn giữa nhà báo và công chúng.

Chú thích ảnh
Nhà báo Vũ Xuân Trường, Chủ tịch Hội Nhà báo Tây Ninh, Giám đốc Đài Phát thanh Truyền hình Tây Ninh phát biểu tại tọa đàm. 

“Hiện nay, nhiều vấn đề và sự kiện được xã hội quan tâm, bàn luận sôi nổi trên các trang MXH trở thành nguồn tư liệu quý giá mà báo chí có thể tận dụng để triển khai các bài viết, giải đáp kịp thời những bức xúc và nhu cầu thông tin của độc giả. Khi đó, báo chí đã sử dụng MXH như một công cụ đắc lực để tiếp cận và phục vụ công chúng. Tuy nhiên, dù mang lại nhiều thuận lợi, MXH cũng tạo ra không ít thách thức. Một trong những thách thức lớn là việc phát tán thông tin không được kiểm chứng, thông tin sai lệch, thậm chí thông tin giả mạo. Những vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của người dân mà còn tác động tiêu cực đến doanh nghiệp và toàn xã hội”, nhà báo Vũ Xuân Trường chia sẻ thêm.

Tương tự, nhà báo Dương Nguyễn Hoàng Anh, Phó Tổng biên tập Báo Tây Ninh cho biết, sự tác động của thông tin từ MXH đến nguồn tin của báo điện tử hiện nay thể hiện rõ cả hai mặt tích cực và tiêu cực. Việc thu thập nguồn thông tin từ MXH để triển khai đề tài và sản xuất sản phẩm báo chí không chỉ mang lại lợi ích mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình tác nghiệp. Trước khối lượng thông tin khổng lồ trên MXH, báo chí sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn trong việc chọn lọc thông tin có giá trị và tránh đưa tin thiếu kiểm chứng. Vì vậy, khi khai thác nguồn tin từ MXH, báo chí bắt buộc phải kiểm chứng thông tin trước khi sử dụng để tạo thành sản phẩm báo chí.

“Một vấn đề khác là nhà báo, phóng viên cần tránh sa đà vào việc khai thác những chủ đề, trào lưu đang hot trên MXH. Hiện nay, việc khai thác các chủ đề, trào lưu từ MXH diễn ra khá thường xuyên trên các báo điện tử, nhưng đa phần các bài viết chỉ phản ánh một hiện tượng hay vấn đề mà thiếu đi tính định hướng rõ ràng. Ví dụ gần đây nhất là trào lưu về “đám giỗ bên cồn”, nhà báo Dương Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh.

Chú thích ảnh
Ông Hoàng Anh Tuấn, Trưởng cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh chia sẻ thông tin tại tọa đàm chiều 10/12.

Ngoài ra, để ngăn chặn tin giả và thông tin sai sự thật trên mạng xã hội, nhà báo Hoàng Anh Tuấn, Trưởng cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh chia sẻ, trước hết, người làm báo cần nâng cao đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội trong việc khai thác, xử lý thông tin từ MXH. Theo đó, nhà báo cần chủ động tìm hiểu và nghiên cứu kỹ lưỡng các nguồn tin trên các trang mạng để lựa chọn đề tài phù hợp; đồng thời báo chí phải đảm bảo tuân thủ quy trình sáng tạo báo chí nghiêm ngặt, từ khâu chọn đề tài, thu thập, đến khai thác thông tin, luôn tôn trọng sự thật là nguyên tắc cốt lõi.

Hiện nay, việc phát triển MXH cũng đã tạo ra hệ lụy nghiêm trọng, đó là tình trạng vi phạm bản quyền báo chí trở nên phổ biến và khó xử lý. Ông Đoàn Minh Thuyết, Trưởng đại diện báo Tin tức tại TP Hồ Chí Minh cho biết, việc bảo vệ bản quyền của một tác phẩm báo chí trên nền tảng MXH thực sự gặp rất nhiều khó khăn. Tại đơn vị, không ít thông tin nóng, thông tin hấp dẫn của báo Tin tức đã bị đánh cắp, sao chép và được bạn đọc phản ánh lên báo. Thậm chí, logo của báo Tin tức cũng đã bị một số đối tượng sao chép, gây nhầm lẫn cho độc giả. Tuy nhiên, các tài khoản và trang mạng sao chép thông tin chủ yếu ở nước ngoài nên việc xử lý vi phạm về mặt hành chính gặp rất nhiều trở ngại.

Chú thích ảnh
Ông Đoàn Minh Thuyết, Trưởng đại diện báo Tin tức tại TP Hồ Chí Minh chia sẻ về giải pháp ngăn chặn vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí. 

“Vì vậy, để ngăn chặn tình trạng vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí, đơn vị đã áp dụng phương pháp đóng logo bản quyền trên các ảnh, video và tin bài phát sóng, đồng thời tận dụng công nghệ số để ngăn ngừa việc sao chép tin tức, ảnh, thông tin trên báo. Đối với các cơ quan báo chí nói chung và người làm báo, cần học cách sống chung với MXH. Sống chung ở đây có nghĩa là báo chí phải biết tận dụng các lợi thế của MXH như thông tin nhanh, nguồn tin đa dạng và phong phú để sản xuất những bài báo phân tích, bình luận có giá trị cho công chúng. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cần tăng cường cung cấp thông tin chính thống trên nền tảng MXH, giúp lan tỏa những thông tin này đến gần với người dân hơn”, ông Đoàn Minh Thuyết nói.

Đồng quan điểm, ông Hoàng Liên Sơn, Giám đốc Chi nhánh Trung tâm truyền hình Thông tấn tại TP Hồ Chí Minh cho biết, đối với phóng viên truyền hình, mạng xã hội không chỉ là nơi giúp khai thác nguồn tin mà còn là công cụ quan trọng để các cơ quan báo chí lan tỏa thông tin chính thống từ Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Hiện nay, các kênh truyền hình đang khai thác tốt nguồn thông tin chính thống và phát triển mạnh mẽ trên nền tảng số, đặc biệt là các trang MXH. Mỗi video, clip của đơn vị đăng tải trên các nền tảng này đều thu hút hàng chục ngàn lượt xem.

“Việc lan tỏa thông tin chính thống trên MXH và các nền tảng số ngày nay là hết sức cần thiết, đó cũng là một nhiệm vụ quan trọng của người làm báo và công tác tuyên truyền. Ngoài ra, kênh truyền hình còn đặc biệt chú trọng phát triển thông tin chính thống đến đối tượng độc giả trẻ, nhóm sử dụng MXH rất tích cực. Sắp tới, để theo kịp sự phát triển mạnh mẽ của MXH, báo chí cần dành nhiều thời gian hơn để theo dõi và kiểm soát thông tin trên các nền tảng này”, ông Hoàng Liên Sơn nói.

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Bình Dương tinh gọn bộ máy và bứt phá giải ngân đầu tư công năm 2025

0

Năm 2025, tỉnh Bình Dương sẽ bứt phá giải ngân đầu tư công và tinh gọn bộ máy. Tỉnh cũng thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế xã hội.

Bình Dương tinh gọn bộ máy và bứt phá giải ngân đầu tư công năm 2025
Ông Võ Văn Minh – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương. Ảnh: UBND BD

Bứt phá trong giải ngân vốn đầu tư công

Tỉnh Bình Dương đang triển khai nhiều dự án đầu tư hạ tầng giao thông kết nối vùng. Năm 2024, mặc dù rất quan tâm và quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành nhưng công tác giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt thấp so với cùng kỳ. Tính đến ngày 10.12.2024, giá trị giải ngân vốn đầu tư công thực hiện 9.000 tỉ đồng, đạt khoảng 60% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công còn thấp do liên quan đến vướng mắc công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư, chậm ban hành giá đất. Bên cạnh đó, do một số sở, ngành, chủ đầu tư chưa thực sự sâu sát, thiếu quyết đoán xử lý các vấn đề khó khăn, phức tạp nảy sinh. Còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào cấp trên…

UBND tỉnh Bình Dương cho biết, lãnh đạo tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo, tháo gỡ các điểm nghẽn tồn tại nhiều năm tại các công trình, dự án và trong công tác giải phóng mặt bằng. Công tác chuẩn bị đầu tư được thực hiện tốt và đúng tiến độ, nhất là tại các dự án trọng điểm quốc gia.

Năm 2025 sẽ là năm bứt phá trong giải ngân dự án đầu tư công ở Bình Dương. Ảnh: Đình Trọng
Năm 2025 sẽ là năm bứt phá trong giải ngân dự án đầu tư công ở Bình Dương. Ảnh: Đình Trọng

Ông Võ Văn Minh – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, từ nay đến hết năm 2024, sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư tập trung thực hiện tốt Kế hoạch cao điểm 50 ngày đêm thi đua giải ngân Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 đã được ban hành trong tháng 11 vừa qua.

Ông Võ Văn Minh khẳng định, trong năm 2025, nhiều dự án sẽ đi vào giai đoạn cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn và hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư. Nhiều vướng mắc, khó khăn đã được tháo gỡ, công tác đầu tư công sẽ có nhiều chuyển biến với những nội dung sửa đổi.

Thi công dự án đường Vành đai 3 TPHCM tại Bình Dương. Ảnh: Đình Trọng
Thi công dự án đường Vành đai 3 TPHCM tại Bình Dương. Ảnh: Đình Trọng

Đặc biệt là việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục đầu tư của Luật Đầu tư công sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1.1.2025. Do đó, UBND tỉnh tin tưởng việc giải ngân đầu tư công năm 2025 sẽ có nhiều bứt phá khi công tác chuẩn bị đầu tư trong thời gian qua được thực hiện tốt, phấn đấu đạt kết quả cao nhất trong kế hoạch trung hạn 2021-2025.

Theo ghi nhận, hiện nay dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 13, dự án đường Vành đai 3 TPHCM đã có mặt bằng thi công. Hiện các nhà thầu đang tăng tốc thi công, dự kiến các gói thầu của hai dự án sẽ được xây dựng hoàn thành trong năm 2025. Bên cạnh đó, năm 2025, tỉnh Bình Dương cũng sẽ khởi công dự án cao tốc TPHCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành. Đây sẽ là các dự án thu hút và đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công của Bình Dương.

Năm 2025 sẽ khởi công xây dựng dự án đường cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành. Ảnh: Đình Trọng
Năm 2025 sẽ khởi công xây dựng dự án đường cao tốc TPHCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành. Ảnh: Đình Trọng

Bình Dương quyết tâm tinh gọn tổ chức bộ máy

Tại Kỳ họp thứ 19 – HĐND tỉnh Bình Dương khóa X, ông Võ Văn Minh – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã giải trình về nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế-xã hội năm 2025.

Về tinh gọn bộ máy, ông Võ Văn Minh – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, ngay sau khi Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Tỉnh ủy Bình Dương đã thành lập Tổ Chỉ đạo, giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy xây dựng phương án và tham mưu kế hoạch sắp xếp.

Phương án sắp xếp của tỉnh sẽ bám sát yêu cầu theo Nghị quyết số 18-NQ/TW và thực tế của tỉnh. Quyết tâm hoàn thành việc tinh gọn tổ chức bộ máy theo đúng mục tiêu, yêu cầu và tiến độ đề ra.

Tỉnh Bình Dương sẽ tinh gọn bộ máy trong năm 2025. Ảnh: Đình Trọng
Tỉnh Bình Dương sẽ tinh gọn bộ máy trong năm 2025. Ảnh: Đình Trọng

UBND tỉnh Bình Dương sẽ trình HĐND tỉnh ban hành quy định chính sách hỗ trợ đặc thù cho các đối tượng khi thực hiện sắp xếp, tinh giản biên chế (ngoài chính sách của Trung ương). Chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền, định hướng dư luận để tạo sự đồng thuận, thống nhất trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân.

Ông Võ Văn Minh – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nhấn mạnh: “Với tinh thần đó, tôi đề nghị các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh chủ động phối hợp để hoàn thành việc sắp xếp đảm bảo tiến độ, yêu cầu đề ra. UBND tỉnh rất mong nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân trong quá trình tổ chức thực hiện”.​

Huy động tối đa nguồn lực để phát triển hạ tầng

UBND tỉnh Bình Dương cho biết, trong năm 2025, tỉnh sẽ huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư, phát triển hạ tầng, kinh tế – xã hội. Đặc biệt là đầu tư trong lĩnh vực giao thông, công nghiệp, dịch vụ, đô thị, kinh tế, văn hoá, thể thao. Đặc biệt, chú trọng quy hoạch và phát triển thêm hạ tầng giao thông đường bộ ven sông để phát triển hệ sinh thái du lịch đô thị ven sông. Từ đó, tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược để thực hiện các nhiệm vụ này.

Bình Dương sẽ tập trung phát triển hạ tầng giao thông. Ảnh: Đình Trọng
Bình Dương sẽ tập trung phát triển hạ tầng giao thông. Ảnh: Đình Trọng

Tỉnh cũng sẽ khẩn trương tiến hành các bước tiếp theo của quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đẩy nhanh triển khai các dự án: Khu công nghiệp cơ khí hỗ trợ, Khu công nghệ thông tin tập trung, cảng sông An Tây, đường Vành đai 4…

Kịp thời rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để hỗ trợ doanh nghiệp trong các lĩnh vực, nhất là các dự án bất động sản trên địa bàn để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…

Đoàn đại biểu Báo Granma thăm và làm việc tại tỉnh Bình Dương

0

Ngày 6/12, tại Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương, Đoàn đại biểu Báo Granma, Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba, do đồng chí Oscar Alberto Sánchez Serra, Phó Tổng Biên tập Báo Granma làm Trưởng đoàn, đã có buổi thăm và làm việc tại tỉnh Bình Dương nhân dịp đoàn sang thăm và làm việc tại Việt Nam.

Đồng chí Oscar Alberto Sánchez Serra, Phó Tổng Biên tập Báo Granma trao tặng ấn phẩm của báo có bài viết tuyên truyền về Việt Nam cho đồng chí Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương.
Đồng chí Oscar Alberto Sánchez Serra, Phó Tổng Biên tập Báo Granma trao tặng ấn phẩm của báo có bài viết tuyên truyền về Việt Nam cho đồng chí Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương.

Đồng chí Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương chủ trì buổi làm việc và tiếp đoàn. Cùng dự buổi làm việc và tiếp đoàn có các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Ngoại vụ, Báo Bình Dương và đại diện các cơ quan, đơn vị tại tỉnh…

Đoàn đại biểu Báo Granma thăm và làm việc tại tỉnh Bình Dương ảnh 1
Toàn cảnh buổi tiếp và làm việc.

Tại buổi tiếp và làm việc, đồng chí Nguyễn Lộc Hà chia sẻ, tiếp nối truyền thống và phát triển, tỉnh Bình Dương luôn nỗ lực phát triển kinh tế-xã hội nhằm đem lại sự phồn vinh, phụng sự nhân dân, đất nước; kinh tế của địa phương ngày càng phát triển, thu nhập bình quân đầu người ngày càng nâng cao; chính quyền, nhân dân, doanh nghiệp cùng đồng hành vì sự phát triển kinh tế-xã hội chung…

Đoàn đại biểu Báo Granma thăm và làm việc tại tỉnh Bình Dương ảnh 2
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương Nguyễn Lộc Hà trao tặng tranh sơn mài truyền thống của tỉnh Bình Dương cho đồng đồng chí Oscar Alberto Sánchez Serra, Phó Tổng Biên tập Báo Granma.

Phát huy truyền thống qua nhiều thế hệ, hệ thống chính trị tỉnh Bình Dương luôn ổn định, các chỉ số kinh tế, xã hội luôn tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước.

Chú trọng phát triển đô thị, năm 2023 tỉnh Bình Dương đã được Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) vinh danh Top 1 Cộng đồng có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu trên thế giới.

Đoàn đại biểu Báo Granma thăm và làm việc tại tỉnh Bình Dương ảnh 3
Đoàn công tác Báo Granma chụp hình lưu niệm với lãnh đạo tỉnh Bình Dương và các đại biểu.

Trong không khí ấm áp tình hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam và Cuba, giữa tỉnh Bình Dương và Báo Granma, đồng chí Nguyễn Lộc Hà đã chia sẻ thông tin về mối quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp giữa tỉnh Bình Dương và tỉnh Artemisa (Cuba).

Trong chuyến thăm và làm việc tại Cuba thời gian qua, Đoàn công tác tỉnh Bình Dương rất ấn tượng với sự phát triển lĩnh vực y tế và giáo dục tại Cuba nói chung và mong muốn tỉnh Bình Dương và các địa phương của Cuba có tiềm năng thúc đẩy hợp tác, phát triển các lĩnh vực: giáo dục, y tế, nông nghiệp công nghệ cao….

Đoàn đại biểu Báo Granma thăm và làm việc tại tỉnh Bình Dương ảnh 4
Đoàn công tác Báo Granma tham quan Trung tâm Phục vụ hành chính công một cấp tỉnh Bình Dương.

Tại buổi tiếp và làm việc, thay mặt đoàn, đồng chí Oscar Alberto Sánchez Serra, Phó Tổng Biên tập Báo Granma cảm ơn sự đón tiếp đoàn chu đáo của lãnh đạo tỉnh Bình Dương dành cho đoàn, đồng thời trao đổi thông tin về Báo Granma là cơ quan ngôn luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, ra đời từ năm 1965. Các ấn bản của Báo Granma xuất bản hàng ngày (trừ Chủ nhật) và là tờ báo được đọc nhiều nhất ở Cuba.

Đoàn đại biểu Báo Granma thăm và làm việc tại tỉnh Bình Dương ảnh 5
Thăm quan Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Bình Dương.

Báo có một số ấn bản quốc tế hằng tuần, bằng tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Ý, tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và tiếng Bồ Đào Nha, đồng thời được phát hành ra nước ngoài.

Đáng chú ý ngoài Cuba, Báo Granma còn được in ở Argentina, Brazil và Canada.

Năm 1996, Báo Granma có trang web, đây là tổ chức truyền thông đầu tiên ở Cuba có trang web. Hiện nay, Báo Granma có số lượng phát hành rất lớn khoảng hơn 600.000 bản…

Đoàn đại biểu Báo Granma thăm và làm việc tại tỉnh Bình Dương ảnh 6
Đoàn công tác chụp hình lưu niệm cùng đại diện các sở, ban, ngành tại Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Bình Dương.

Đồng chí Oscar Alberto Sánchez Serra cũng nhấn mạnh, dù hai nước cách xa về mặt địa lý, nhưng có nhiều điểm tương đồng và tình cảm sâu sắc trong suốt nhiều năm qua. Qua chuyến công tác tại Việt Nam, Báo Granma tiếp tục có sự gắn kết trao đổi kinh nghiệm và hợp tác tuyên truyền, đặc biệt trong lĩnh vực chuyển đổi số cùng Báo Nhân Dân. Qua chuyến làm việc thực tế tại tỉnh Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh, Đoàn công tác cũng rất quan tâm về kinh nghiệm phát triển theo mô hình thành phố thông minh nhằm hướng tới phục vụ người dân và doanh nghiệp, chính sách chuyển đổi số, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo… Đây là những kinh nghiệm, bài học quý báu mà đoàn rất quan tâm.

Ngay sau buổi làm việc, Đoàn Báo Granma đã tham quan Trung tâm Phục vụ hành chính công một cấp tỉnh Bình Dương; Trung tâm điều hành thông minh Bình Dương (IOC) nhằm chia sẻ những bài học kinh nghiệm của Bình Dương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp nhằm mục tiêu vận hành bộ máy chính quyền các cấp vì nhân dân phục vụ.

TRỊNH BÌNH

Ra mắt và vận hành giai đoạn 1 Trung tâm Phục vụ hành chính công “một cấp” tỉnh Bình Dương

0

Sáng 2-12, UBND tỉnh đã tổ chức lễ ra mắt và vận hành giai đoạn 1 Trung tâm Phục vụ hành chính công (TTPVHCC) tỉnh Bình Dương. Tham dự có ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; bà Nguyễn Trường Nhật Phượng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành. 



Lãnh đạo tỉnh và các sở ngành ra mắt TTPVHCC tỉnh 

Tại buổi lễ đã công bố và trao Nghị quyết số 37/NQ-HĐND ngày 28-10-2024 của HĐND tỉnh thí điểm thành lập TTPVHCC tỉnh và quyết định nhân sự TTPVHCC tỉnh; công bố và trao quyết định thành lập 9 Chi nhánh TTPVHCC tỉnh. 


Lãnh đạo tỉnh trao Nghị quyết của HĐND tỉnh thí điểm thành lập TTPVHCC tỉnh


Lãnh đạo tỉnh trao quyết định thành lập 9 Chi nhánh trung tâm


Lãnh đạo Sở Nội vụ trao hoa chúc mừng TTPVHCC tỉnh

Ông Trương Công Huy, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh cho biết: TTPVHCC tỉnh có giám đốc, 3 phó giám đốc và 4 đơn vị cấp phòng. Trung tâm bố trí tối thiểu 28 biên chế công chức, viên chức. Các Chi nhánh TTPVHCC là đơn vị trực thuộc, tương đương cấp phòng của Trung tâm do UBND tỉnh quyết định thành lập; có con dấu riêng, có tài khoản riêng và được bố trí trụ sở, trang thiết bị làm việc theo quy định của pháp luật.

Lộ trình thực hiện từ nay đến 31-12-2024 triển khai thành lập, ra mắt TTPVHCC đặt tại Trung tâm Hành chính tỉnh và 9 chi nhánh với tên gọi Chi nhánh Trung tâm Phục vụ hành chính công đặt tại 9 địa phương cấp huyện và 91 điểm tiếp nhận trên cơ sở bộ phận một cửa của 91 xã, phường, thị trấn… 


Ông Mai Hùng Dũng phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ ra mắt TTPVHCC tỉnh

Phát biểu tại buổi lễ, ông Mai Hùng Dũng, cho biết: sau thời gian chuẩn bị, xây dựng Đề án thí điểm TTPVHCC một cấp thuộc UBND tỉnh đã được HĐND thông qua. Với mục tiêu “phục vụ nhân dân là nhiệm vụ trọng tâm”, mô hình TTPVHCC tỉnh Bình Dương ra đời nhằm cung cấp các dịch vụ hành chính công một cách công khai, minh bạch, hiệu quả, giảm thiểu thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân và doanh nghiệp. 


Lãnh đạo UBND tỉnh và các đại biểu trao đổi, tham quan TTPVHCC tỉnh

Trung tâm sẽ là đầu mối, là điểm đến duy nhất để tiếp nhận và xử lý tất cả các thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh, tạo thuận lợi tối đa cho mọi tổ chức, cá nhân khi thực hiện các giao dịch hành chính với cơ quan nhà nước…

HỒ VĂN

Công văn Số 5476/SLĐTBXH-CSLĐ 08/10/2021 Sở Lao Động Thương Bình và Xã hội Tỉnh Bình Dương

0
Công vănSố 5476/SLĐTBXH-CSLĐ08/10/2021Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bình DươngTriển khai thực hiện Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc Quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệpXem tại đây

Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp

0

Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp

Số ký hiệu28/2021/QĐ-TTg
Ngày ban hành01-10-2021
Ngày có hiệu lực01-10-2021
Loại văn bảnQuyết định
Cơ quan ban hànhThủ tướng Chính phủ
Người kýLê Minh Khái
Trích yếuQuy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp
Tài liệu đính kèm28.signed_01.pdf 

Bảo hiểm Xã hội tỉnh đối thoại với doanh nghiệp, người lao động

0

Ngày 5-12, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh tổ chức hội nghị đối thoại, tư vấn, hỗ trợ, giải đáp chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) với hơn 250 người lao động và người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được BHXH tỉnh phổ biến, tuyên truyền những điểm mới, nội dung cơ bản về chính sách BHXH, BHYT, BHTN có hiệu lực trong năm 2024.

Bà Lê Minh Lý, Giám đốc BHXH tỉnh trực tiếp trả lời và giải đáp các ý kiến của đơn vị sử dụng lao động, người lao động liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp khi tham gia BHXH, BHYT, BHTN

Đại diện BHXH tỉnh cũng đã trực tiếp trả lời, giải đáp các thắc mắc liên quan đến chính sách BHXH, BHYT, BHTN của doanh nghiệp và người lao động như: quy định rút BHTN đối với người đến tuổi nghỉ hưu; người tham gia BHXH 20 năm nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu; việc tham gia Bảo hiểm tai nạn và bệnh nghề nghiệp của người lao động; người sử dụng thẻ BHYT ở địa phương khác khi đi khám, chữa bên trên địa bàn tỉnh…

Người lao động phát biểu ý kiến tại buổi đối thoại

Ngoài ra, BHXH tỉnh cũng đã hướng dẫn cụ thể về hồ sơ, thủ tục, trình tự giải quyết hưởng chế độ đúng, đủ, kịp thời cho người lao động theo quy định.

Bà Lê Minh Lý, Giám đốc BHXH tỉnh cho biết, việc tổ chức đối thoại trực tiếp sẽ kịp thời hỗ trợ, giải đáp, tư vấn cho người lao động và người sử dụng lao động những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thụ hưởng các chính sách BHXH, BHYT, BHTN; đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ, vì sự hài lòng của người tham gia bảo hiểm.

Quốc Lập

Thành ủy Tân Uyên: Tập trung chỉnh trang đô thị, sắp xếp bộ máy, chuẩn bị tổ chức tốt Đại hội Đảng các cấp

0

Sáng 5-12, Ban Thường vụ Thành ủy Tân Uyên tổ chức Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ thành phố lần thứ 20, nhiệm kỳ 2020-2025. Tham dự hội nghị có ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Báo cáo tại hội nghị cho biết, trong năm 2024, Ban Thường vụ Thành ủy Tân Uyên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, qua đó đã đạt được nhiều kết quả tích cực. 


Ông Mai Hùng Dũng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Cụ thể, giá trị kinh tế tiếp tục tăng trưởng; kịp thời hỗ trợ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; giá trị giải ngân vốn đầu tư công đạt 98%; công tác lập quy hoạch và quản lý quy hoạch được chú trọng thực hiện; an sinh xã hội được đảm bảo, các chế độ chính sách cho người dân được thực hiện kịp thời.

Song song đó, công tác xây dựng Đảng, tổ chức cán bộ, xây dựng và chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng tiêu cực, lãng phí, cải cách hành chính trong Đảng được chú trọng thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực; công tác dân vận, hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể tiếp tục hướng mạnh về cơ sở; việc thực hiện Đề án 02 của Tỉnh ủy đạt kết quả cao…

Tại hội nghị, các đại biểu đã xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ năm 2025; Tờ trình về việc xin ý kiến góp ý dự thảo (lần 2) Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ thành phố lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 trình Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2025-2030.




Lãnh đạo TP.Tân Uyên trao huy hiệu Đảng cho các đảng viên

Phát biểu tại hội nghị, ông Mai Hùng Dũng ghi nhận và đánh giá cao những kết quả TP.Tân Uyên đã đạt được trong năm 2024. Ông Mai Hùng Dũng đề nghị thời gian tới, Đảng bộ TP.Tân Uyên tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, quyết tâm lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội; xây dựng hệ thống chính trị, trong đó tập trung chỉnh trang đô thị; đầu tư xây dựng cơ bản; đảm bảo an ninh trật tự; thực hiện tốt công tác sắp xếp tổ chức bộ máy; chuẩn bị tổ chức tốt Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 – 2030. 

Nhân dịp này, Thành ủy Tân Uyên đã trao tặng Huy hiệu Đảng từ 30 đến 65 tuổi đảng cho 32 đảng viên.

HUỲNH THỦY